“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

BÀI NGHIÊN CỨU: LÊ ÁI SIÊM - LÀM THƠ VỚI TƯ DUY NGƯỜI KHOA SỬ

  Võ Thị Thanh Giang

Lê Ái Siêm tên thật là Lê Bá Ái Siêm, sinh năm 1953 tại xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Bố ông có quê gốc ở Quảng Trị, sau đó tập kết ra Bắc. Thuở nhỏ, nhà thơ học tiểu học ở miền Nam rồi học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ban đầu theo học ban địa chất của khoa Địa, sau đó ông chuyển sang khoa Sử. Tốt nghiệp với số điểm thuộc tốp đầu của khoa Sử, vì nhiều lý do, nhà thơ không ở lại Sài Gòn mà về nhận công tác trong Ban nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh Tiền Giang. Chính cơ duyên này làm cho ông gắn bó với vùng đất mới bên bờ sông Tiền - nơi gặp gỡ và hội tụ của nhiều nền văn hóa: Chăm, Khmer, Hoa,… với những con người có tính cách tự nhiên, hồn hậu. Từ năm 1992 đến nay, Lê Bá Ái Siêm công tác tại Bảo tàng Tiền Giang, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Với các sáng tác về đất và người vùng sông nước miền Tây, cùng nhiều tác phẩm được người đọc thẩm định qua các giải thưởng trong cuộc thi thơ đồng bằng, Lê Ái Siêm trở thành một trong những nhà thơ đương đại ĐBSCL dù không sinh ra và lớn lên ở miền đất này.
Không chỉ có nhiều năm công tác ở lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, bảo tàng, Lê Ái Siêm còn tham gia vào nhiều lĩnh vực, nhiều mảng khác nhau của văn hóa Việt Nam. Ông là hội viên của nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong nước: Hội viên hội Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Lê Ái Siêm làm thơ từ lúc mới 12- 13 tuổi và được sự động viên của nhiều thầy cô phổ thông. Bài thơ đầu tiên của ông đăng trên báo Sài Gòn giải phóng năm 1977 có nhan đề: “Đi chợ Bến Thành trong ngày giải phóng”. Các tác phẩm thơ đã xuất bản: Khúc điệu sông Tiền (in chung) (2000), Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang; Hoa dại (trường ca), NXB Hội Nhà văn năm 2004; Tiếng vọng, (tập thơ), NXB Hội Nhà văn năm 2006. Tác phẩm sắp in: Những dòng sông mở đất, trường ca viết về lịch sử vùng đất Nam Bộ.
Bằng nỗ lực đó, Lê Ái Siêm đã được công nhận qua các giải thưởng thơ như: Giải nhất cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2 năm 2003, Giải C - giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2005 cho trường ca Hoa dại của Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Lê Ái Siêm làm thơ với tư duy của người khoa Sử. Với quan niệm “thơ sống bằng sử”, “lấy sử nuôi thơ”, nhà thơ cho rằng kiến thức về lịch sử nói riêng và hiểu biết về văn hóa xã hội nói chung sẽ làm nhà văn viết chắc tay hơn. Nếu không có kiến thức nền tảng đó, thơ chỉ dừng lại ở việc mô tả bên ngoài. Quan niệm đơn giản nhưng cũng là điểm gặp gỡ trong hành trình sáng tạo của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn. Bởi lẽ xưa nay, dù ở đâu cũng vậy, văn bao giờ cũng gắn liền với đời. Nhà văn tạo dựng vị trí của mình trên văn đàn bằng tác phẩm văn học nhưng luôn phải đứng hai chân trên hiện thực đời sống.
Với một tập thơ và một trường ca đã xuất bản, không nhiều nhưng cũng đủ để Lê Ái Siêm để lại dấu ấn riêng về phong cách thơ của mình trong lòng độc giả. Khảo sát Tiếng vọng” (NXB Hội Nhà văn, 2005) chúng tôi nhận thấy, hầu hết những bài thơ đều mang cảm hứng lịch sử, thế sự gắn với chiêm nghiệm về những đổi thay của vùng đất ông đang sống. Phần còn lại là thơ tình nhưng vẫn vương mang hơi thở cuộc “bể dâu tang điền” của những phận người với dư vị chua xót, bẽ bàng.
Nhiều bài thơ của Lê Ái Siêm viết về tên người, tên đất cụ thể với những sự kiện mới xảy ra nóng hổi tính thời sự. Những bài thơ này không vướng phải tính thù tạc, ca ngợi thường thấy ở thơ của nhiều người viết chưa chắc tay. Thơ viết về cô giáo sau cuộc chiến tranh, cuộc tri ngộ Vân Tiên ở Ba Tri cũng như những dòng gửi người họa sĩ đã khuất Nguyễn Sáng. Thơ viết bên tượng đài tưởng niệm Mỹ Tho, thơ hoài niệm về phà Rạch Miễu hay những bài mang cảm hứng bàn luận, gợi nhắc chuyện người xưa (Hoa Nam Tử, Trời Đoan Ngọ,...) đều đong đầy sự trăn trở và suy nghiệm sâu sắc về cuộc đời và nhân tình thế thái. Đề tài thơ vốn đủ sức thu hút người đọc nhưng điều quan trọng là Lê Ái Siêm đã chinh phục độc giả bằng những hình tượng rất đắt. Cô giáo sau cuộc chiến tranh trong Chị hiện ra giữa khung cảnh nhiều sức gợi. Không gian gắn với hình ảnh trung tâm ấy là “đêm”, “lớp học khiếm thị”, là “ngôi nhà thiếu ánh đèn”, nơi có “tàu cau treo lệch vầng trăng khuyết”. Với phông nền ấn tượng như vậy, người chị xuất hiện và ngay lập tức trở thành hình tượng gợi nhiều ám ảnh:
                        Chị trở về
                         cắm nén nhang trên bàn thờ
                         nén nhang cháy ba mươi mùa đông
                         ba mươi mùa đông
                         cày những đường hằn vầng trán chị
                         ba mươi mùa đông hai chén cơm nguội trên bàn
                                                                         (Chị)
Dường như nhà thơ gốc Quảng Trị có biệt tài bắt và giữ lại khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời và chuyển hóa vào nhân vật trong thơ mình.
Cuộc sống với vô vàn đổi thay, biến cố làm nên quy luật muôn đời. Cảm nhận quy luật đó thông qua những sự kiện cụ thể rồi đưa vào thơ là chuyện không khó với người nghệ sĩ. Nhưng điều quan trọng là thể hiện nó như thế nào để tạo được sự đồng cảm của người đọc mà không rơi vào khuôn sáo, công thức. Cách tốt nhất để làm được chuyện đó là phải làm cho tác phẩm của mình chạm được vào nỗi niềm, cảm xúc chung của người đọc. Phà Rạch Miễu bao năm qua lại giữa hai bờ sông Tiền, đã gắn bó với nhiều khuôn mặt: “tiếng rao vé số kẹo dừa”, “những gồng gánh”, “bao cặp tình nhân”, chứng kiến nhiều cuộc tay bắt mặt mừng, và không ít cuộc chia ly đã diễn ra nơi này. Cầu Rạch Miễu làm xong, những chuyến phà kia đi về đâu? Trên cây cầu mới, giao thông thuận lợi hơn, những cuộc gặp bất tri không còn, tiếng rao hàng vắng bóng, “rặng bần gie rồi thiếu mắt em nhìn”, thiếu nhiều mà thừa ra cũng nhiều:
                        lục bình nở tím thừa ra một bến
                        phà kéo còi dư một khoảng bình minh
 Dẫu biết rằng đổi thay mưa nắng là chuyện thường tình nhưng “khúc ru một bến sông Tiền” của nhà thơ sao mà xót xa đến lạ. Dư vị của dòng thơ sẽ còn đọng mãi trong lòng những ai đã từng qua phà, đã trót thương trót nhớ dáng phà trôi trên sông nước mênh mang, lỡ cảm lỡ yêu những tiếng rao hàng, từng là chứng nhân trong những lần gặp gỡ bất ngờ lắm buồn nhiều vui giữa dòng đời xuôi ngược. Những chuyến phà cuối rồi sẽ đi vào tâm tư người đọc như niềm hoài niệm pha chút hối tiếc mang dư vị man mác buồn.
Có thể nói Lê Ái Siêm đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề trong xã hội, ông lặng lẽ sống, lặng lẽ nhìn và cất gánh tâm tư cùng những chiêm nghiệm của cuộc đời trong những câu thơ thấm đẫm triết lý nhân sinh. Cảm hứng thế sự về sự đổi thay của cuộc đời có lẽ là dòng sáng tác chính trong thơ Lê Ái Siêm. Từ bài thơ viết về Phố chợ, nơi cái mới ngày càng đong đầy, cái cũ càng vơi đi làm nhà thơ hoài niệm về xứ cũ, quê xưa:
                        Từ biệt quê khi còn tiểu học
                         Năm tháng trôi như nước sông đầy
                         Ngày trở lại làng đã thành bình địa
                         Chim rụt rè trong hốc cháy gốc cây
                                                             (Làng quê)
Cho đến những dòng thơ đong đầy xúc cảm, đau đáu niềm riêng:
                        Không hiểu sao ta bỏ quên nhau trong lận đận
                         Để chân trời bão xới những thương đau
                                                             (Bỏ quên)
Tất cả đều day dứt nỗi niềm tiếc nhớ bâng khuâng khi hình xưa bóng cũ không còn. Điều đặc biệt là những vấn đề ấy lại được phản ánh bởi giọng thơ trữ tình, man mác buồn một nỗi nhớ thương, triết lý mà vẫn đậm đà.
Về nghệ thuật, có một điều khá đặc biệt làm nên âm vọng trong thơ là nghệ thuật láy và điệp từ. Thơ Lê Ái Siêm, từ những bài thơ ngắn đến trường ca đều có sự xuất hiện liên tục và dày đặc đầy ngụ ý các từ láy, điệp ngữ. Đôi khi từ láy lại đóng vai trò điệp ngữ. Thử một lần dạo qua Phố chợ để cảm nhận sự đặc biệt ấy:
                        Váy đủ màu vênh vang phố chợ
                         Những đứa bé ngày xưa anh bế
                         Giờ mắt môi tung tẩy vũ trường
                         Giả bộ cuối đầu không thấy
                        Chân vấp vào những năm tháng ngu ngơ
                                                             (Phố chợ)
Từ láy cũng được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thơ khác ở tập Tiếng vọng:
                        Những người đàn ông tập đãng trí
                         Tự quên mình trong lao xao tiếng gọi của rừng
                         Rồi lại bảnh bao mượt mà với phố
                                                             (Về)
                        Má chiều qua còn khấp khởi trên đồng
                         ....
                         Ơi làng quê lung linh những bông hoa biết đợi
                         Những vầng trăng vành vạnh câu thề
                                                 (Viết bên đài tưởng niệm tại Mỹ Tho)
Láy vốn là phương thức biểu cảm đặc sắc của tiếng Việt. Trong thơ Lê Ái Siêm, từ láy thường nằm trước danh từ, giúp người đọc hình dung trước sắc thái của danh từ đó. Do vậy tạo được ấn tượng mạnh, rõ nét về điều nhà thơ muốn chuyển tải. “Vênh vang” làm nổi bật cái phố chợ ngổn ngang thay đổi, “tung tẩy” báo trước sự xuất hiện của “vũ trường” đầy xáo trộn. “Ì ùng” và “nghẹn ngào” đem lại cảm giác nặng nề, đau xót về cuộc chiến tranh đã qua và những mất mát mà nó để lại. Khi viết về mẹ và em – người phụ nữ thủy chung muôn đời của các chiến sĩ, nhà thơ đã dùng những từ láy diễn đạt sự tròn đầy tươi đẹp của tình thủy chung: “vành vạnh, lung linh”.
Đến Trường ca Hoa dại - câu chuyện dài về những người con gái lỡ đặt chân vào chốn bùn nhơ mà vẫn huyễn hoặc mình là một loài sen hay “con đom đóm” “Để biết mình không đồng lõa màn đêm”. Từ láy và phép điệp liên tục cũng được tác giả sử dụng khá đậm đặc ở đây. Trường ca của Lê Ái Siêm với các phân đoạn: “Trú ngụ, giấc mơ Lọ Lem, đáy phễu, đom đóm, thần chú, những tòa nhà thiếu sáng, vỉa hè, những bóng không người, hồi niệm, dòng kinh, bước chân” và kết thúc bằng “khúc ru” đưa người đọc vào cuộc du hành khám phá cảnh đời, dòng đời của những bông “hoa dại”. Trường ca là một thể loại mang tính tổng hợp, cho phép kết hợp xúc cảm trầm sâu và suy tư thế sự về xã hội, được Lê Ái Siêm sử dụng hiệu quả để dẫn dắt độc giả, nhiều lúc phải chạy theo khám phá hình tượng trong thơ mình. Nghĩa là chúng ta phải băng qua những dòng sông đêm “rưng rức”, qua những “con kinh ươn thối”, qua ngõ hẹp, mái nhà chật chội, bước vào những giấc mơ khao khát cháy bỏng đổi đời, đi theo những lầm lạc không tự biết và chứng kiến nhiều nỗi đau không lối thoát. Trường ca thật sự là mảnh đất tốt nhất để Lê Ái Siêm thể hiện hết sở trường của mình. Bằng sự suy nghiệm sâu sắc, giọng thơ chiêm nghiệm qua đôi mắt của người trải đời, ông quan sát mà không dửng dưng, thuật lại câu chuyện buồn của cuộc đời, sự quay đảo đến chóng mặt của cơn lốc đổi thay, sự “lên hương” của kim tiền trong cuộc sống hiện đại. Từ láy một lần nữa góp mặt nhiều trong trường ca này và cũng xuất hiện ở những vị trí rất đắc:
                        Đêm trả lại một hoàng hôn rưng rức
                         Rực rỡ và rách nát
                         Gió cứ đi tắm táp phận người
                                                 (Trú ngụ)
                        Bà cụ còm nhom đưa gậy khua tuổi tác của mình
                         Loảng xoảng long tong giữa quên và nhớ
                        Lặn vặn những buồn và vui
                         ...
                         Xó xỉnh láp nháp cơn mưa
                         Rác tấp lưng chừng giấc ngủ
                         Xó xỉnh khật khưởng bóng ma tay ôm chai đế
                         Nham nhở xăm xoi đôi gò nõn đang nằm
                                                 (Giấc mơ lọ lem)
                         Những xương xẩu vội vàng cất giấu
                         Những cọm nhọm vội vàng cất giấu
                         Để xênh xang xiêm áo sắc màu
                                                 (Dòng kinh)
Tính từ được sử dụng dày đặc trong thơ Lê Ái Siêm đôi khi làm người đọc thấy mệt vì phải đuổi theo lời chữ liên tục. Phải chạy theo thơ, từ câu này qua câu khác mới có thể nắm bắt được câu chuyện và lời kể của tác giả. Nhưng cảm giác đó không xuất hiện nhiều vì có nhiều chỗ nhà thơ đã biết dừng lại cho độc giả vừa có thời gian nghỉ ngơi vừa có cơ hội quan sát kĩ hơn những cảnh và người đặc biệt. Cách sử dụng điệp ngữ đan xen vào nhiều đoạn trữ tình trong Hoa dại đã giúp Ái Siêm làm được điều đó:
             Nơi ồn ào
                         Nơi đậy che
                         Nơi khoe mẽ
                         Nơi mặc cả giao hoan đánh cược trinh tiết
                         Nơi nhìn nhau bằng tròng mắt đồng tiền
                          Nơi lưu trữ oán hờn
                          Nơi format tình yêu
                        Nơi làm cục nam châm hút những bông hoa nhẹ dạ
                        Cục nam châm lấp lánh bạc vàng
                         Cục nam châm như nụ cười gợi cảm
                         Cục nam châm đậm mùi son phấn
                                                            (Đáy phễu)
Sự lặp đi lặp lại của một cấu trúc câu có lẽ là giải pháp tốt nhất để nhấn mạnh ý thơ, vừa tạo sự đa diện của sắc thái, mở rộng biên độ cho diễn đạt của nhà văn và tiếp nhận của độc giả. “Nơi” và “cục nam châm” được thể hiện bởi nhiều động từ và danh từ khác nhau giúp người đọc hình dung rõ hơn, sâu hơn về “đáy phễu”- nơi những mảnh đời bé nhỏ, bất hạnh vì nghèo đói, không học vấn phải sống loi ngoi trong “túng thiếu” và luôn cháy bỏng khát khao đổi đời, với những cám dỗ có sức hút của nam châm.            
Giọng thơ xuyên suốt từ những bài thơ ngắn đến trường ca nhan đề Hoa dại là giọng thơ chiêm nghiệm, chia sẻ với tư thế và cảm nhận của người trong cuộc. Tuy có lúc dồn dập, gai gốc nhưng chủ yếu vẫn mang hơi thở da diết, dịu nhẹ, man mác buồn của xứ đồng bằng. Chọn đề tài thế sự làm hướng đi chính của thơ, đưa những đổi thay cuộc sống mới, mất mát của truyền thống, của thôn quê hòa nhập tình cảm, sự suy nghiệm trăn trở của bản thân vào thơ, Lê Ái Siêm đã đi được những bước quan trọng trong hành trình khẳng định phong cách riêng cho thơ mình. 
Nói Lê Ái Siêm làm thơ với tư duy của người khoa sử là muốn nói đến chất triết lý thâm trầm trong những vần thơ ông. Không hoàn toàn bị cuốn theo cảm xúc và tuôn chảy một cách dễ dãi, mỗi vần thơ đều mang trong mình những ý tưởng được chắt lọc từ cuộc đời, mang vào đó chút gì trăn trở, suy tư. Ông lấy cảm hứng từ những vấn đề trong xã hội và gióng lên hồi chuông từ trái tim mình đến trái tim người. Điều đó còn thể hiện qua cách ông chọn phương thức thể hiện - thể trường ca. Nó thuận tiện cho tác giả dẫn dắt cảm xúc, phản ánh những vấn đề có tính chất xuyên suốt, tương đối nhức nhối trong cuộc sống. Có thể nói trường ca của Lê Ái Siêm thiên về tự sự, giãy bày.
Tư duy thơ của Lê Ái Siêm giàu tính triết lý nhưng không phải là thứ triết lý khô khan mà là sự tan chảy của trí tuệ và sự thăng hoa cảm xúc của trái tim. Đỗ Lai Thúy từng viết: "Thơ Lê Ái Siêm già dặn, ngổn ngang những suy tư. Có lẽ quá giàu suy nghĩ nên anh nhìn đâu cũng thấy đối tượng cần phải suy nghĩ...". Đọc thơ Lê Ái Siêm, người đọc dễ nhận ra một tâm hồn đắm say với cái đẹp, một trái tim đập mạnh cùng với nhịp đập của thời gian và cuộc sống. Lê Ái Siêm suy tư về sự biến đổi của thời gian, suy tư về sự tàn phai của cái đẹp, suy tư về sự chìm nổi của kiếp người, suy tư về cả những điều vô hình, phi lý... ([1])
Thơ Lê Ái Siêm mang đậm tính giáo dục. Ông nói mình làm thơ trong tư duy của một người khoa sử nên phải có trách nhiệm với xã hội. Đó là điều vô cùng đáng quý, cho thấy thiên chức của người cầm bút. Tuy nhiên ông không thể hiện một cách khô cứng mà thấm nó qua lớp bông hiền dịu của tâm hồn, làm cho triết lý có sức phổ quát cao và vẫn thấn đẫm tình người. Ông từng nói “Thơ là tiếng nói tâm hồn được ngân lên muôn ngàn giai điệu triết lý” ([2]) là vậy.


[1] Võ Tấn Cường, Nhà thơ Lê Ái Siêm và tiếng vọng của trái tim, nguồn: http:/ / www.tiengiang.gov.vn/ xemtin.asp?idcha=3609&cap=2&id=7942
[2] Hàn Quốc Vũ, Lê Ái Siêm – thi sĩ của triết lý, nguồn: http:/ / www.ngoisaoblog.vn/ m.php?u=hanquocvu&p=104463

Tháng 8.2011

N.H 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...