Trần Thị Mỹ Hiền
Nếu cuộc đời thi ca của Hàn Mặc Tử đã đi trọn một hành trình thơ từ cổ điển đến lãng mạn, qua tượng trưng rồi chạm bờ siêu thực thì Bích Khê lại là đệ tử trung thành vào bậc nhất của trường phái tượng trưng ở Việt Nam. Cả đời thơ giống như một đời mộng, thi nhân phiêu diêu trong cõi nhiệm màu, trong thế giới của siêu thăng, để tâm hồn và thể xác cùng đắm mình trong cung bậc của cảm giác. Trên chuyến hành trình ấy, thi nhân của chúng ta như một loài chim đêm, bay trong bóng tối để tìm ra cõi sáng của lòng mình khi cuộc đời không ngừng bồi đắp thêm bao niềm đau khổ. Để rồi khi nhận ra con đường sáng duy nhất, con chim ấy đã quyết tâm dâng trọn đời mình bay suốt chặng hành trình đến hơi cùng lực kiệt. Bích Khê, thi sĩ dị kỳ, thi sĩ của đau thương, của khát khao niềm sống, đã tạ thế khi trút hết những dòng tinh lực cuối cùng cuộc đời mình cho thi ca.
Như một liên tưởng bất chợt, khi tiếp cận với thế giới thơ của Bích Khê người viết nhận ra một ý tưởng hơi mạo muội. Cả hành trình thơ của thi nhân có thể được gói trọn trong hai tiếng “phiêu linh”, đúng như cách đọc từ này trong tiếng Anh? “Feeling” là cảm giác, nhưng ở đây thi nhân của chúng ta đã “phiêu” không chỉ bằng cảm giác mà còn là sự đánh thức những cung bậc của trái tim mình. Tuy hơi mạo muội nhưng trong bài viết nhỏ này người viết thử khai thác Nghê thường theo hướng đó như là một cách cảm nhận của riêng mình.
Nếu nói Bích Khê chịu ảnh hưởng và học tập của trường phái tượng trưng thì cũng nên nói rằng không phải ai cũng có thể hòa tan hết mình vào trong bất cứ lý thuyết nào nếu không có sẵn nội lực. Nói thế giới thơ của Hàn Mặc Tử có ánh chớp chủ nghĩa siêu thực nhưng có ai biết rằng vốn dĩ Hàn là người đã góp phần khởi phát giấc mơ đó. Bích Khê cũng thế, đến với chủ nghĩa tượng trưng bằng sự yêu thích, thi sĩ đã sống và dâng tặng cả nguồn sống của mình cho thế giới đó. Ông xem chủ nghĩa tượng trưng như cuốn kinh Phúc Âm làm dịu mát tâm hồn mình, nguyện suốt đời cống hiến vì nó. Chính vì thế, thế giới tượng trưng trong thơ Bích Khê không phải ai cũng có được. Hành trình trong thơ ông không đâu khác chính là hành trình của thú “phiêu linh” này.
Vũ khúc nghê thường là điệu múa mà các nàng tiên thường biểu diễn chốn cung đình. Tuy nhiên đó còn là thứ trang phục nhiều màu sắc, khi múa sẽ hòa lẫn vào nhau trông rất đẹp. Nghê thường vừa để chỉ cái đẹp, vừa để chỉ cảm giác lâng lâng như lạc vào chốn thần tiên. Bích Khê đã mang chúng ta vào thế giới cảm giác của ông, thăng hoa cùng những hòa trộn rất thực và cũng rất mơ. Như đã nói ban đầu, nghê thường là giấc mơ “phiêu linh” của một con người, nếu ngày xưa đó là giấc mơ của Đường Minh Hoàng thì ở giờ đây kẻ mơ đó không ai khác là thi nhân của chúng ta. Ngay từ đầu bài thơ tác giả đã bắt đầu cuộc hành trình phiêu linh của mình bằng sự lâng lâng trong bầu trời thực:
Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành
Nhung mây tê ngời sao kim cương
Dạ lan tê ngời say men hương.
Khởi phát giấc mộng cảm giác không gì khác chính là từ “ô” cảm thán ngay đầu bài thơ. Một sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, không còn tin ở sự thật, không còn tin ở mắt mình. Ngay sau đó là hàng loạt những câu hỏi dồn dập, nhưng tất cả đều không có gì cụ thể, tất cả đều bàng bạc trong những cung bậc cảm nhận rất lạ. Thế giới lúc này tuy là thực nhưng bắt đầu mang màu sắc của mơ, của ảo giác. Sự thăng hoa cảm giác khơi mở cho bước chân trong tâm hồn thi nhân dời chuyển. Thinh sắc của đêm trăng làm tâm hồn thi nhân chếnh choáng, “say men hương”. Sự lung linh huyền hoặc, kỳ ảo của ánh trăng đã dát vàng sự cảm nhận trong thế giới thực tại, dường như các giác quan lúc này đang hòa lẫn vào nhau thành một luồng sóng điện hút lấy cái bóng lung linh kỳ ảo của vạn vật dưới ánh trăng. Không những vậy, các giác quan lúc này cũng không còn biểu thị sự cảm nhận một cách đơn lẻ nữa mà đan cài, giao hòa vào nhau cùng đắm say tận hưởng, cùng rung lên những cung bậc, giai âm mà tạo hóa ban xuống chốn trần gian. Thế giới của tượng trưng là thế giới của vô thường, không một lý lẽ nào cắt nghĩa nỗi. Chỉ có các lớp sóng của thần kinh cảm giác mới vạch nên lời. Không còn chỗ đứng cho những lý thuyết giáo điều, không cần phải phân minh, cứ phiêu trong trường cảm giác rồi sẽ tìm ra đích đến của mình. Hàng loạt những hình ảnh tượng trưng làm người đọc cũng lâng lâng cùng thi sĩ: ngọc trăng, nhung mây, dạ lan và một tính từ lạ “tê ngời” được lập lại hai lần. Người đọc cảm giác chính tác giả cũng không thể lý giải được ấn tượng của mình nên các hình ảnh trở nên mơ hồ, nhập nhoạng giữa hai bờ hư thực. Khổ thơ đầu như một đường dẫn vô hình dắt nhà thơ của chúng ta bắt đầu cuộc hành trình quen mà lạ.
Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
Không gian xa cừ hay san hô?
…
Là ngọc thạch hay trân châu ?
Mã não hay là hổ phách đây ?
Mã não hay là hổ phách đây ?
Đến những khổ thơ tiếp theo, các giác quan bắt đầu thăng hoa, mà khởi đầu từ thị giác. Hàng loạt các từ như lầu, lưu ly, hoa lê, thủy tinh, lòng gương hồ, xa cừ, san hô…, những cặp đôi so sánh liên tưởng vô cùng thú vị, một bài toán không cân bằng trong sự cảm nhận. Có lẽ như nhà thơ đang đứng ở một nơi nào thật xa lạ, thật lung linh, huyền ảo, quý phái nhưng cũng thật mơ hồ. Mọi vật dưới ánh nhìn lúc này là thực hay là mộng? Cảm giác hay ảo giác? Các cung bậc cảm xúc bắt đầu thăng hoa, giao hòa, lan tỏa hết biên độ. Thế giới lúc này không còn điều xác tín, có cái gì mơ hồ vừa len lỏi đâu đây nên những câu hỏi của thi nhân cũng không ai trả lời được. Chú ý đến cấu trúc của các câu thơ trên ta thấy có một điều đặc biệt, có những câu không hề có chủ ngữ, không có cái được biểu đạt mà chỉ có cái biểu đạt. Đây tuy là một đặc điểm thường thấy trong thơ tượng trưng nhưng lại có những ấn tượng đặc biệt. Chính điều đó làm tăng thêm chất “phiêu” trong thế giới thần cảm này.
Nếu Hàn Mặc Tử từng nói vườn thơ của thi nhân là một nguồn sáng lạ thì thế giới thơ của Bích Khê lại là vườn địa đàng của thinh không, của hương, sắc và nhạc. Đây đúng là cõi ngự trị của nàng thơ, mà để đến được đó thi sĩ phải “phiêu” hết mình trong từ trường của cảm giác. Nếu bình thường thơ là thế giới của cảm xúc thì lúc này, với thơ tượng trưng, cảm giác và cảm xúc như hòa làm một, nhưng cảm giác có phần trội hơn, cảm giác làm chất men cho hương vị tình ái của nàng thơ thêm thơ mộng. Xuyên suốt cả Nghê thường người đọc nhận thấy những từ ngữ diễn tả cảm xúc thì ít mà chỉ cảm giác thì nhiều. Nào là phiêu diêu, yêu kiều, man mác, nhịp nhàng, ngây ngây,… để rồi đến cuối cùng những cảm giác ấy cũng thăng hoa tột bậc, không còn “man mác”, “ngây ngây” mà là “ngớp”, là “say”, là “sôi”, là “đê mê”. Không gì thú vị hơn là hành trình của cảm giác, thi nhân không còn đi mà đã bay, đã phiêu trong bầu trời mộng tạo ra từ sự lâng lâng, giao hòa, lan tỏa các cung bậc của cảm xúc. Không chờ cho đến khổ gần cuối ta mới thấy xuất hiện vũ khúc nghê thường mà ngay từ đầu dư âm của khúc điệu ấy đã lan tỏa vào tâm hồn mời gọi thi nhân. Nghê thường lúc này không đơn thuần chỉ là tên của điệu múa mà còn là trạng thái tinh thần của những ai lỡ để hồn mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Nghê thường, khúc điệu thần tiên, khúc gọi tình, khúc điệu thăng hoa luồng giao cảm:
Nầy! Muôn ngọc nữ ngớp y thường
Tóc quyện bay mùi tô hợp hương
Uốn mình say lượn sóng xiêm nghê
Khúc phụng cầu hoàng sôi đê mê.
“Tô hợp hương” là gì? Phải chăng đây chính là cảm giác do sự tương hợp giữa các giác quan mang lại? Không thể cảm nhận được cụ thể nên gọi nó là “tô hợp hương”, nghe thật lạ và cũng gợi cho ta nhiều cảm nhận thú vị. Điều duy nhất mà người thơ cảm nhận lúc này là cái gì đó thật “thần diệu”, thần diệu đến vô cùng. Các giác quan đã căng hết tầng rung động, không còn diễn tả, tất cả còn lại chỉ là một cảm giác mơ hồ, chỉ là “như”, là “ngỡ” chứ không xác tín được nữa:
Chúng tôi lạc giữa mộng như ngà
Ngỡ vướng vào muôn tơ lụa sa…
Cũng chính vì thơ tượng trưng coi trọng sự tương hợp giữa các giác quan nên tất cả những cảm nhận trong thơ đều được lọc qua một tấm lưới đa giác quan. Điều đó làm cho thế giới trong thơ mở rộng đa chiều kích, có thể chiếm lĩnh đến vô tận, vô cùng cõi vô thức, tiềm thức, những bí ẩn, huyền nhiệm tế vi của tâm linh con người và thế giới. Bản thân cảm giác cũng là sự tổng hòa của các giác quan, làm cho sự lan tỏa trở nên hiệu quả hơn. Có một điểm mà bất kỳ người đọc nào đến với bài thơ này cũng vô cùng ấn tượng, đó là bước đi của nhạc tính. Nhạc tính cũng là một trong những yếu tố hàng đầu của chủ nghĩa tượng trưng bởi âm nhạc có khả năng rất riêng biệt, có thể len lỏi vào tận những ngõ ngách sâu thẳm của tâm hồn con người. Nó tạo một lực đẩy vô biên làm va đập những cung bậc cảm xúc tinh tế trong nội tâm con người. Có thể nói Bích Khê đã phần nào thành công trong cách tạo ra ấn tượng trong chốn “phiêu linh” đó. Âm điệu của bài thơ như lớp sương bồng bềnh trôi trong mạch cảm xúc, mơn man tâm hồn bởi những thanh ngang nhẹ nhàng, lan tỏa. Ta như đi trên tầng mây lạ của chốn bồng lai, một đặc trưng và cũng là thủ pháp mà thi nhân gởi gắm trong sáng tác của mình.
“Tượng trưng là sự thăng hoa của tri thức và cảm giác, nó không chứng minh gì mà làm nảy sinh một trạng thái ý thức, nó phá vỡ mọi ngẫu nhiên, nó là biểu hiện cao nhất, tinh thần nhất mà nghệ thuật có thể có được”. ([1]) Thơ tượng trưng do đó mà chỉ miêu tả cái biểu đạt mà che giấu cái được diễn đạt. Đôi khi đó đúng thực là một ảo giác, một sự thăng hoa về mặt tinh thần khi không còn làm chủ được những cung bậc cảm xúc trong lòng người nghệ sĩ. Lúc bấy giờ thi nhân như cột ăng-ten cực mạnh hút tất cả mọi làn sóng của thực tại chuyển hóa thành những cảm giác huyền dịu, truyền đến thế giới tinh thần ở bậc cao nhất . Những câu hỏi tưởng như bâng quơ, khó hiểu nhưng cần gì hiểu cho tường tận. Đó chính là lúc dòng sống trong con người thi nhân phát tiết, bộc lộ. Đọc thơ tượng trưng cốt là để cho cái hồn của mình cũng lan tỏa, chìm đắm trong những điều lạ thú, không thành hình nhưng có sức mạnh dẫn dắt kỳ lạ. Nghê thường cũng là một điểm trong cái dòng sống bất tận ấy…
[1] Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
Tháng 3.2011
N.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.