“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

THI SĨ NGÔ KHA: HÀNH TRÌNH Ý THỨC TRONG THƠ NGÔ KHA


 Bài 1: Ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực trong thơ Ngô Kha
Nguyên Hậu
            1. Ảnh hưởng của chủ nghĩa siêu thực ở Việt Nam

Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, tuy không có chủ nghĩa siêu thực, nhưng bút pháp hoặc thi pháp siêu thực thì đã được các nhà thơ sử dụng và đạt được những thành công nhất định. Người ta có thể thấy được điều đó đậm nhạt ở Hàn Mặc Tử trong tập Thơ điên, ở Nguyễn Xuân Sanh trong Xuân Thu Nhã Tập, ở Nguyễn Đình Thi với những bài thơ không vần, ở Hoàng Cầm trong Về Kinh Bắc, trong ca từ Trịnh Công Sơn và đặc biệt là trong các tập thơ của Ngô Kha.
Thi sĩ là người nhạy cảm, có khả năng nắm bắt dễ dàng các xung động của đời sống cùng những trạng thái siêu thoát của tâm hồn. Nắm bắt cái vô thức vừa là đỉnh cao của tư duy của nghệ thuật, vừa là biểu hiện độ nhạy cảm vượt bậc của tâm thức con người khi rơi vào trạng thái cô đơn đau khổ tận cùng. Nó giống như một thứ va đập cả bên trong và bên ngoài ở cường độ mạnh trong tâm thức làm trỗi dậy cái phần ẩn sâu vốn hiện hữu trong mỗi con người. Cái gì đó rất tự nhiên, ta không cần hiểu và cũng không thể hiểu nhưng lại cảm nhận được bằng sự tinh tế của tâm hồn – sự phân rã tột độ. Hàn Mặc Tử là một minh chứng trong khía cạnh này. Những tập thơ của ông sáng tác lúc sự du nhập của chủ nghĩa siêu thực vào Việt Nam chưa thật sự mạnh mẽ, nhưng bằng liệu pháp tâm lý, Hàn Mặc Tử đã tự lạc vào cõi vô thức của lòng mình, làm bật lên thế giới thơ và cũng là cõi hồn – “thế giới rộng rinh không bờ bến”. Nó làm phát xuất những làn sóng điện tạo nên lực giao cảm cực độ giữa hai miền sáng – tối, thực tại – viễn mơ, đau khổ - lâng lâng, tinh tuệ - mê muội… tất cả dường như không có gì là xác thực. Sự va chạm bên trong của hữu thức và vô thức làm nảy sinh một đường dẫn vào tầng vô thức trong mỗi con người. Ở Việt Nam Hàn Mặc Tử là người đầu tiên khởi phát giấc mộng về cõi vô thức, mời gọi cái vô thức nhập vào hành trình của sự tỉnh - thức. Thơ siêu thực là đích đến của đường dẫn tự nhiên đi từ cái khả giải đến bất khả giải, một hành trình tự động nhưng cũng khá cam go. Bởi muốn là một thi sĩ “siêu thực” anh phải là người có độ nhạy cảm cao hơn những người khác. Anh phải hòa tan tất cả những níu giữ của lý trí hữu thực để chìm vào cõi thường hằng. Có một thời bao nhiêu người cảm thấy “mệt lả” trước những câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi tự thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim
(Huyền ảo)
Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng có thể xem là những nhà thơ đạt được một độ nhạy nhất định trong cuộc thử sức này. Họ là tiền thân cho những nhóm thơ theo trường phái siêu thực như Xuân Thu Nhã Tập
Với Mê hồn ca, Đinh Hùng đã mang đến cho người đọc một góc trong toàn thể cái siêu thực do miền Vô thức tạo ra. Lần đầu tiên, Đinh Hùng có ý thức tạo lập một chân trời hoàn toàn khác với thế giới thực, một cuộc băng mình tìm về thế giới của hồng hoang nguyên thủy. Nếu Hàn Mặc Tử làm ta bay vào “thượng tầng thanh khí” thì Đinh Hùng lại dẫn chúng ta vào cõi thiêng của loài người, một thiên nhiên của thời hồng hoang, thái cổ còn tinh khôi, nguyên thuỷ:
Chúng tôi gặp nhau bên dòng suối ngọt,
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai,
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc
Nàng là Gái - Muôn - Đời không đổi khác:
Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân.
Ta đến đây làm chủ hội phong trần,
Lấy hoa lá kết nên Tình Thái Cổ .
                        (Đinh Hùng - Người gái thiên nhiên)
Nói một cách hình tượng, những nhà thơ siêu thực là “người kiến trúc sư chiêm bao” ([1]). Bởi họ là những người xây lại chân trời mộng và cho nó một vóc hình, xác lập cho nó một thế giới tách biệt với cõi thực mà chính thi sĩ là những người sống và phát tiết trong đó.
Trong cái nguồn chung của thi ca lúc bấy giờ, kể cả Hàn Mặc Tử hay Bích Khê, Đinh Hùng hay những nhóm thơ khác đều được thừa nhận như những thi sĩ đã men dần từ thế giới thực đến mộng, từ tượng trưng đến bờ siêu thực. Bằng sự nhạy cảm và rung động cần thiết, họ đã dần men đến bờ vực thẳm của hư vô nhưng chưa thực sự đắm mình trong đó. Hàn Mặc Tử là người đầu tiên duy nhất làm cuộc vượt thoát tinh thần để lại dấu hỏi lửng lơ trong lòng bao thế hệ độc giả. Và siêu thực lúc bấy giờ như một thế giới tách hẳn với thực tế, khó ai nhập vào được.
Cho đến giai đoạn sau này, khi cái thời kỳ của thơ Mới đã dần lùi xa bởi những tác động của thời cuộc, những biến động của xã hội, những vần thơ đó không còn được ưa chuộng và nhìn nhận đúng mức. Thế nhưng khi con người bị rơi vào một hoàn cảnh nhất định, tâm thế của những nhà nghệ sĩ sẽ bắt nhịp được với những rung cảm của thời thế. Đứng trên góc độ lịch sử xã hội, chủ nghĩa siêu thực được ra đời trong một hoàn cảnh không mấy yên bình. Đó là thời kỳ xảy ra hai cuộc đại chiến thế giới. Những hoang tàn đổ nát, những trận chiến cùng sự hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh đã tác động mạnh mẽ vào tâm thức của thế hệ thanh niên ở Pháp lúc bấy giờ. Không những thế, khi ra đời, trường phái nghệ thuật này còn có sức lan tỏa rộng lớn và trở thành một chủ nghĩa không chỉ trong thơ văn mà còn cả trong hội họa. Điều đó cho thấy không khí xã hội là chất xúc tác làm tăng độ phản ứng tâm lý của các nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nói như thế để thấy rằng, lịch sử Việt Nam những năm 1954 – 1975, kể từ khi đế quốc Mỹ đặt chân vào chiến trường miền Nam, đã tạo chất nền cho những cảm thức siêu thực này phát huy tác dụng. Lúc bấy giờ ở miền Nam trong nền văn nghệ lại xuất hiện những cây bút ẩn hiện cảm thức này. Họ là những trí thức tiến bộ, một mặt tiếp thu luồng văn hóa phương Tây và tìm thấy ở đó sự giao thoa của cùng một tần số rung cảm; chủ nghĩa siêu thực lại một lần nữa có mặt trên văn đàn nghệ thuật. Nhóm trí thức này xuất hiện trên văn đàn cùng những tác phẩm có tính chất phản đối chiến tranh như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ… Họ cũng muốn quay về một "quê hương thần thoại" thanh bình, cổ kính, nguyên thủy, Đông phương... dù họ sử dụng các chất liệu du nhập từ phương Tây để sáng tạo. Trịnh Công Sơn sáng tác những khúc tình ảo não, rồi nhạc phản chiến, rồi nhạc "thiền”… Đấy là những ví dụ của chủ nghĩa siêu thực tại Việt Nam giai đoạn này. Trong số đó, Ngô Kha là người tiên phong làm một cuộc thử nghiệm và đã có những thành quả nhất định. Đó là sự ra đời hai tập thơ mang đậm tính siêu thực lúc bấy giờ: Hoa cô độcNgụ ngôn của người đãng trí cùng một số bài thơ rời đăng rải rác trên các tạp chí tiến bộ của miền Nam.
Là nhà giáo đồng thời là trí thức dấn thân của một thời đại đầy đau thương và biến động, người trí thức lúc bấy giờ không còn cái tâm thế “man man thiên cổ sầu” như thời đầu thế kỷ, không còn tự tách mình ra để rồi chếnh choáng với đau thương mà những biến cố giai đoạn 1954- 1975 là một cú hích lớn, xô đẩy những ai có độ nhạy lớn dạt vào thế giới của điêu linh ám ảnh. Không phải là cuộc hóa thân trong đau thương rời rã như Hàn Mặc Tử mà chính thực tại đau thương cùng những biến động khủng khiếp, lịch sử được xây dựng trên những xác người đã làm họ tổn thương, đau đớn đến rã rời.

2. Thế giới siêu thực trong thơ Ngô Kha

Đến với các tập thơ của Ngô Kha, người đọc sẽ có cảm nhận rất khác so với tất cả các bài thơ trong dòng văn học lúc bấy giờ. Nó mở ra những cửa ngõ đi vào thế giới không còn của thực tại mà hun hút tận chiều sâu của vùng tâm thức. Ở mỗi tập thơ Ngô Kha đều có sự biểu hiện riêng trong thế giới ấy của mình.
Mở đầu hành trình thơ ca với Hoa cô độc tác giả đưa chúng ta vào một miền âm u, chật chội nhưng có khi cũng rộng đến vô cùng. Thế giới siêu thực dường như chỉ tồn tại hai miền sáng tối, nhưng nếu siêu thực của Hàn Mặc Tử là một thế giới toàn năng bởi ánh trăng, cái trăng sáng ngời, cái trăng nhập nhoạng và mờ ảo thì thế giới của Ngô Kha lại bao trùm bởi bóng tối, bóng tối của hư vô, trường cửu như cái đại lộ thăm thẳm của cuộc đời. Đại lộ ấy giống như một dòng sông đêm trải dài muôn nẻo, mang đến bao nhiêu đau thương cuồng nộ, tăm tối, hoang rợ. Dòng sông đêm rồi sẽ mang ta về đâu – một bến bờ vô định không tìm ra nẻo tới trong chuyến hành trình? Thế giới mà Hoa cô độc mang đến chất đầy những bóng đêm, một loại chất đậm đặc không tách chiết ra được như từng hạt sát na của vũ trụ - một vũ trụ nguyên sơ mới tạo hình! Ở đó bóng tối bao trùm như chúa tể vạn năng làm vầng mặt trời cũng méo mó, đớn đau, tan vỡ:
đại lộ dòng sông đêm
mặt trời vô hình tan vỡ
suối đau thương đường phố
nhớ nhung bơ  vơ…
(Đêm 30)
mưa điên cuồng gió loạn
bóng đen làm mặt trời”
(Bài thơ hôm nay)
Nơi đó chốn sa mạc cũng tối đen, tất cả hoang vu, sợ hãi…Thế rồi cõi vũ trụ như đang chuyển động, mưa lại vỗ về - cơn mưa của huyền thoại, mưa khóc than và tâm sự trong cuộc tình dài vô tận nơi trần thế. ([2]). Mưa rơi rơi như những dòng tốc ký trên bức tranh tâm trạng của loài người:
bên ngoài trời mưa
trời mưa không ngớt
đại lộ than khóc
rơi trên hồn lạnh lẽo
hạt mưa
những dòng tốc ký
bản thảo trinh nguyên không bao giờ chép lại….
(Đêm 30)
Bản thảo cuộc đời, bản thảo địa đàng vẫn mãi hoang vu, nguyên sơ, trinh bạch. Ở đó cũng có cuộc sống nhưng thấp thoáng bóng hình của con người thuộc hai thế giới đối lập nhau: hoặc rất ngây thơ trong trẻo, hoặc rất khổ đau, tang thương và hoang dã … Thế giới ấy có những mảng đối lập vô cùng lạ lẫm, mọi vật như có linh hồn và thức tỉnh rất tinh khôi. Thực và mộng, thiên đàng hạ giới, lịch sử và tương lai trong phút chốc nhập thành một:
Ta đã từ quê hương xa lắm
Như vị thần lạc nẻo trời cao
Quay về đây tinh tú hôm nào
Từ vô cực trở về hạ giới
….
Trời thủy tinh đổ vỡ tan tành
Muôn ánh mắt tìm về vực thẳm
Đây bãi vắng dệt vần thơ lịch sử
Ta về qua gặp gỡ tương thân
Là môi em hay quá khứ lại gần
Cho hiện tại tiền thân họp mặt
Em tương lai mồ rêu cỏ mọc
Côn trùng rên tiếng nhạc ca than
Thành trì đây giấc mộng hoang tàn
Trăng lý tưởng muôn ngàn hoa dại…
(Ưu tư)
Giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn có chỗ cho những khoảng âm u, mờ nhạt, nhưng chút ánh sáng le lói không đủ sức để thấp sáng một linh hồn, không thể làm tan hết bóng đêm nặng trịch và tàn nhẫn kia. Người con trai thấy mình lạc vào một cõi nào xa lắm, anh chìm vào giấc ngủ vạn kỷ để rồi khi tỉnh dậy cũng chỉ thấy hoang liêu, ngơ ngác trước cuộc đời. Và trong cuộc hành trình ấy, anh vẫn đi tìm em như khát khao tìm thấy chút ánh sáng mong xua đuổi bóng đêm trong tâm hồn. Em là trăng rằm ngày giữa tháng còn anh là chuỗi cô liêu đen tối của đêm 30 mịt mùng mưa gió:
trời còn mưa nên nó còn đau khổ
nó trốn chạy khúc nhạc buồn gợi nhớ tên em
nên trở về đây
ôm tượng đá lạnh lùng tưởng linh hồn con gái…
(Người con trai)
Vắng em rồi, thế giới trong anh chỉ còn miền sa mạc nắng cháy. Thiên nhiên tự mang trong mình những đớn đau và khắc nghiệt, mở ra với tất cả biên độ nhưng không có gì là quy luật, tất cả đều đổ nát, hoang tàn. Con người không còn tin vào thực tại, không tin vào sự điều phối nhất quán của lý trí mà muốn chống lại mong tìm ra một thế giới khả dĩ tồn tại mà không hề có sự gò bó:
khoang trời rừng dài tiếp nối
những vì sao đổi ngôi
mưa điên cuồng gió loạn
bóng đen làm mặt trời
người quỳ lạy
lời van xin như bể thảm
nước cuồng lan thú dữ - làm thinh
triều dâng lên môi tím yên lành
ngủ một giấc đời tan hy vọng
người đi vào thời gian cao rộng
mà vô tình quên vị thuốc trường sinh
còn đắng cay ở lại với mình
chiều dĩ vãng chở đầy khoang thổ mộ…
(Bài thơ hôm nay)
Còn gì cô đơn hơn sự hoang liêu của chính tâm hồn mình? Mọi thứ đều vận hành một cách đều đều và không để lại cho ta dấu vết gì. Cái hồn của cảnh nhập vào cái tình của người càng làm cho nỗi hoang liêu càng thêm xa vắng:
Bàn tay tâm sự bỗng thấy hoang liêu
Rừng cây sâu thêm đau niềm căm tức
Lưng trời phiêu bạt thơ thẩn về đâu
Sương rơi trên đầu ướt triền má em
Tâm tình dứt, khúc nhạc cũng buồn nôn
Bâng khuâng ga nhỏ tàu cũng đi luôn
Bầu trời cô đơn buồn dâng kín lối
(Tiễn em)
Thế giới ấy thẳm sâu vô cùng, khó ai nhìn thấy nếu không co thắt hết biên độ của sự nhạy cảm. Ngô Kha là người đã làm được điều đó. Với một con người khi sinh ra trên đời vốn dĩ đã rất cô đơn, thì còn gì cô đơn hơn là cái chết - tận cùng của niềm đơn độc. Thế nên tìm đến với cô đơn là tìm về với bản thể của chính mình. Bởi tự mệnh danh là Hoa cô độc nên trong thơ ông xuất hiện rất nhiều nỗi ám ảnh về cái chết và sự cô độc. Theo thống kê, chỉ với mười tám bài thơ mà có hai mươi hai lần tác giả nhắc tới cái chết hoặc những hình ảnh có liên quan đến sự chết. Người đọc sẽ không khỏi ám ảnh khi bắt gặp những từ như mồ bia, điếu văn, linh hồn, vành khăn tang, mồ rêu cỏ mọc, băng hà, mồ hoang, chết, hỏa ngục… Tập thơ còn xuất hiện hàng loạt những từ ngữ diễn tả nỗi cô đơn, niềm cô độc, tâm trạng đau thương, rời rã, bơ vơ. Phải chăng chính tâm thức đặc biệt đó mà đôi khi trong các bài thơ tác giả đã nhìn thấy được trước cái chết của mình? Có ít nhất ba lần thi nhân tiên tri trước cái chết của mình:
30 chở anh về
trên con tàu cuối cùng
dài như ngày tận thế
Hay
đại lộ 30
đêm cuối cùng mùa đông
nếu đời không còn có mai sau
anh sẽ viết bài điếu văn nhân thế
(Đêm 30)
 tôi bàng hoàng
thể xác nhức nhối
kẻ quen thuộc vây quanh
mang vẻ mặt lạnh lùng nhân chứng
họ đồng lõa
tên thủ phạm vô danh
tôi lên tiếng
VẪN CÒN CÔ ĐỘC
(Ám ảnh)
Điều này quả là một liên tưởng thứ vị của người viết bởi theo như các tài liệu cung cấp gần đây về cái chết của nhà thơ, ngày ông bị kẻ xấu hãm hại là ngày 30-1-1973, trong một buổi chiều cuối đông ảm đạm. Con số 30 giờ đây trở thành nỗi ám ảnh lạ lùng với người đọc và với cả tác giả ngày đó. Vì thế có thể nói, đường dẫn đến những cung bật siêu thực không gì khác hơn là những va đập trong tâm thức thi nhân. Chính cái vô thức kia đã ban truyền cho họ một khả năng linh cảm vô cùng đặc biệt mà không có lý trí nào có thể giải thích được.
Ngoài cảm thức đặc biệt về thế giới, nguyên nhân thứ hai khiến hồn thơ của thi sĩ phát tiết tinh hoa, đó phải chăng là vết thương không bao giờ liền sẹo. Nó có tác động rất lớn tới tâm hồn, là mạch dẫn vô tận đến suối nguồn của vô thức, trong cái thẳm sâu của con người. Một nhà nghiên cứu đã nói rằng khi yêu người ta như được trở về với cội nguồn của mình. Bởi nhìn đâu họ cũng thấy đẹp, thấy yêu thương và gắn bó với mọi người, sẽ không có cảm giác cô độc. Có lẽ vì thế mà khi thất tình con người có cảm giác mình đang bị bứt ra khỏi nguồn cội chăng? Họ luôn thấy bơ vơ, lạc vào một cõi vô hình nào xa xôi lắm. Đó phải chăng là thế giới thẳm sâu trong mỗi chúng ta? Và con người sẽ mãi bơ vơ nếu không thể khám phá hết chính mình. Trong cuộc hành trình ấy, càng đi càng thấy hư ảo, trơ trọi. Đến đây ta chợt nhớ tới lời phát biểu của Hàn Mặc Tử về thế giới thơ của ông, cũng rộng rinh không bờ bến: Tôi sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn, tôi đã phát triển hết các cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống. Thôi mời cô cứ vào… Ánh sáng lạ trong thơ tôi sẽ làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa, càng ớn lạnh”. ([3]).
 Ai nói đến với thế giới siêu thực là một sự trốn tránh? Đó chính là sự nhìn nhận một cách dũng cảm, thẳng thắn vào chính bản hồn của mỗi chúng ta. Nó có thể rùng rợn bởi cả cuộc đời nếu anh cứ mãi tỉnh táo sẽ không bao giờ hiểu hết.
            phượng cầu hoàng
            héo hắt chờ đợi
            dù phượng hoàng chúa tể chim trời
            yêu tiếng nói tuyệt vời
            anh còn yêu em mãi…
                                    (Có gì đẹp hơn yêu em)
Thế giới tình yêu trong thơ ông mới đẹp đẽ, thanh khiết làm sao, như huyền thoại, tình yêu vốn gắn liền với thế giới tuyệt đẹp mang sắc thái thiên triều. Đó là đỉnh cao của mơ ước nhưng rồi ngay sau đó lại phải đối mặt với một thực tế phũ phàng. Kẻ thất tình như lạc vào mê cung tình yêu không tìm thấy lối ra bởi bóng tối của hoang liêu và ngờ vực:
em bỏ ra đi
những ngọn đèn tím đỏ
viễn phương còn là thành phố…
nếu được gần em
chỉ cần một âm giai
thì chúng ta đâu còn đơn lẻ
(Người con trai)
Con đường yêu đương giờ biến thành bức họa đồ quanh co, không còn tìm thấy lối ra. Người con trai ấy chếnh choáng, cô đơn, khô gầy không còn chút niềm tin. Anh với tay hái lấy vầng trăng ngày ấy, vầng trăng anh từng tôn vinh và thèm khát ném xuống giữa cuộc đời. Khi choàng tỉnh khỏi cơn mơ, tất cả chỉ còn là niềm cô độc. Phải chăng đó chính là tâm thức chung vốn tồn tại trong mỗi chúng ta khi đến với cuộc đời này?
Cuộc hành trình trong miền tâm thức ấy tuy chưa thật sự về đến đích nhưng cũng để lại sức lay động rất lớn, tạo ra nhiều ám ảnh, dư ba. Về thế giới thơ trong Hoa cô độc, Hoàng Phủ Ngọc Tường từng có nhận xét: “Những năm đầu thập kỷ 60 ấy, ngày tháng sao như dài hơn và Ngô Kha đã rong chơi khắp miền để kết bạn phong trần với loài phù du để rồi trở về ngồi nhìn cái bóng đơn chiếc của mình đổ dài trên đất rừng trơ hốc đá, nơi một sườn đồi hoàng hôn trên sông Hương… Cái nhìn chính mình, Ngô Kha đã bắt gặp trên cánh đồng hắt hiu của linh hồn chàng một loài ác hoa mọc lên từ bao giờ. Chàng âu yếm gọi nó là “Hoa cô độc”. Hành trình của chàng khởi đầu với niềm kiêu hãnh thầm kín của bông hoa ấy”. ([4])
Sang Ngụ ngôn của người đãng trí tác giả lại đưa chúng ta vào một miền siêu thực khác. Đó không còn là thế giới âm u tâm tối mà là cái mơ hồ, vô định trong thế giới tâm thức của một người đãng trí. Không thực sự âm u nhưng cũng không hoàn toàn sáng sủa, nó mang mang một cái gì khó tả như sự hòa trộn giữa thực và mộng. Tập thơ cho thấy sự vượt bậc về bút pháp siêu thực của Ngô Kha trong toàn bộ các sáng tác của mình. Nếu Hoa cô độc tạo nên một thế giới siêu thực trong tâm trạng, “bản tốc ký tâm trạng trên bản thảo cuộc đời” không có dấu vết của sự bôi xóa thì đến Ngụ ngôn của người đãng trí, thế giới siêu thực không đơn giản chỉ tồn tại trong nội tâm mà tuôn chảy từ dòng ý thức của một kẻ đãng trí. Nếu Hoa cô độc siêu thực bằng những hình ảnh nhẹ nhàng, những cung bậc cảm xúc trải đều trong tâm thức thì Ngụ ngôn của người đãng trí là bản phối lạ với những hình ảnh, những mảng màu bất chợt rời rã nhưng lại được liên kết với nhau một cách tự nhiên trong cùng một mạch liên tưởng. Ta như lạc vào một miền đất lạ, một thế giới hoang sơ với những con người vô tư, say rượu, những kẻ hành khất… Phải chăng đó là chốn trú ngụ bình yên, sẽ không có lý trí nào có thể điều khiển được họ, tất cả đều là ngẫu nhiên. Nếu ai đó nói rằng “thơ Ngô Kha là một nỗi cô đơn trên cuộc hành trình dằng dặc đi tìm chính mình([5]) thì Ngụ ngôn của người đãng trí là một chặng dài trên nẻo đường thiên lý ấy.
Vì là thế giới trong tâm thức của người đãng trí nên không có gì là cố định và cụ thể. Ta có cảm giác đang xem một thước phim bị mắc lỗi kỹ thuật không liền mạch, luôn có những chắp nối, chồng chéo lên nhau. Các hình ảnh liên tục chạy ra theo dòng tâm thức của người đãng trí. Chỉ với chương một của trường ca mà có tới hai mươi lần lần cụm từ “kẻ đãng trí” xuất hiện. Những khoảng lặp rất tình cờ nhưng rất đúng với dòng ký ức ấy. Nó loạn nhịp, lộn xộn không theo một trật tự nào. Người đọc như đang đọc một bài diễn văn dài được viết bởi một nhân vật “đặc biệt” có tâm tư “không mạch lạc”. Thế giới tinh thần của “người đãng trí” thật tinh khôi, hoang sơ và hồn nhiên đến vậy. Ta như lạc vào một thế giới xa xăm của loài người thuở hồng hoang nguyên thủy - thiên nhiên cảnh vật đều hoang sơ như chưa từng có bàn tay tạo dựng của con người:
khúc hát ngu ngơ của bông lau
tháng giêng giã từ thuốc đắng đi tìm cỏ may
tôi không thấy nàng mặc áo chim
chỉ có người hư vô và mặt trời
tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu
có những con đường mang tên em chưa ra đời
những con đường mọc đầy cây ma túy…
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Thế giới ngụ ngôn là thế giới siêu thực bắt đầu bằng chiêm cảm. Điều khiến ta chú ý trong thế giới này là dường như tất cả mọi vật, từ cỏ cây đến vũ trụ, đến những sinh thể nhỏ bé nhất đều có linh hồn, đều mang theo hơi thở hồn nhiên nguyên sơ nhất của vũ trụ. “Khúc hát ngu ngơ của cây bông lau”, rồi “tháng giêng giã từ… đi tìm cỏ may”… nghe sao mà thân thương, trong trẻo và bình yên đến lạ.
người say rượu quỳ bên gốc cây già
uống ánh mặt trời và dòng phù sinh vô tận
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Con người trong thế giới ấy bỗng chốc trở nên thật kỳ vĩ, hòa nhập vào thiên nhiên, vũ trụ một cách tuyệt đối. Nó gợi lên cho ta nỗi hình dung về một thế giới siêu nhiên, ở đó con người giống như những thiên thần, thật lung linh huyền ảo. Dấu ấn đó còn hiện lên rõ ràng hơn qua những câu thơ:
sau tàng cây khổ hạnh người say rượu lõa thể như một chiếc lá sen
đứa con trai thì mọc đầy lông vũ…
Đây đúng là thời hồng hoang nguyên thủy của loài người, tất cả mang màu sắc tự nhiên, thanh khiết. Nhưng thế giới ấy vẫn tiềm ẩn sự đối lập. Đó là sự đối lập giữa thực và mộng, giữa cái thanh khiết và cái dữ dội. Có những hình ảnh gợi lên cho ta sự rùng rợn không thành cụ thể nhưng khó thể nào quên:
mùa hè có tuyết đen thật đẹp
tôi một mình với cơn cuồng nộ của mùa hè
con đà điểu cắp cánh tay người yêu tôi đi
chiếc nhẫn cưới bay mất
tôi không còn cuộc hôn nhân kỳ dị
người con gái đâm mù mắt tôi
bằng hai quả trứng vàng…
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Tác giả đang dẫn ta vào trong một giấc mơ dài, đi hết miền đất này qua vùng sa mạc khác, càng đi càng rùng rợn, càng rời xa thế giới của hư vô nguyên sơ ngày nào. Nỗi ám ảnh về thực tại đang bao phủ lấy tâm thức nhà thơ, đâu đó xuất hiện dấu vết của thế giới thực:
em ôm vành khăn tang
cúi đầu làm con gái Việt Nam
trong thung lũng tình yêu đã lạnh giá
em đốt cháy niềm tuyệt vọng
trên ngọn lửa hằng cửu sáp trắng
cầu nguyện những người con trai Á Châu
ra đi như thiên thần
ôi tim mẹ đã rã rục
với lòng tin em
như cành hoa mai buổi tối…
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Ngụ ngôn của người đãng trí mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực, như tiếng thét dữ dội, mãnh liệt của con người trước khi từ bỏ một cái gì đó, giống như tiếng hót cuối cùng của con chim sắp từ giã cõi đời. Nó vươn cổ, trút hết sinh lực và để lại tiếng ca cho đời thêm tươi đẹp. Cùng cảm nhận đó, ta thấy Ngô Kha đã đạt được thành công nhất định khi ra mắt tập thơ này. Có lúc ta thấy tác giả thoát ra khỏi vùng trời siêu thực trở lại thực tế đớn đau của tâm hồn, một tâm hồn rách nát bởi vết thương tình chưa liền sẹo, cộng thêm hiện thực đau khổ khốc liệt của cuộc chiến bên ngoài. Điều đó tạo nên một sự thôi thúc vượt thoát khỏi lý trí, giống như những chiếc đập nhỏ ngăn cản dòng nước đang êm đềm, tạo nên sự mãnh liệt cho dòng thác nội tâm tuôn chảy. Người đọc có thể thấy rõ điều đó trong suốt các chương của cuộc hành trình đi trong vô thức. Cứ sau mỗi chương đoạn có sự xem kẽ những dấu hiệu của thực tại thì ngay sau đó những cung bậc của nội tâm ngày càng thêm dữ dội – một thủ pháp tâm lý hết sức tự nhiên và mang lại hiệu quả nghệ thuật đặc sắc.
Thế giới trong Ngụ ngôn của người đãng trí là thế giới của mộng, của chiêm bao, và hơn cả, nó được khúc xạ qua tầng vô thức của một kẻ đãng trí nên hư vô càng tiếp hư vô, siêu thực lại càng trở về siêu thực. Đó là một giấc mơ dài đi từ ngày này qua ngày khác, dẫn ta từ cõi trời này đến cõi trời khác. Và nói như Freud, giấc mơ luôn bị điều phối bởi vô thức, nó là tầng lớp sâu nhất trong tâm thức mỗi chúng ta. Với Ngụ ngôn của người đãng trí, Ngô Kha bị điều khiển bởi phần vô thức ấy nên mạch cảm xúc cứ tuôn trào. Tất cả những gì của thực tại đều mang bóng dáng của giấc mơ và chìm sâu vào ký ức. Đến lúc tuôn ra giống như suối nguồn vô tận không có mãnh lực nào có thể ngăn cản nỗi. Về ý này ta thấy Ngô Kha có một ý thơ giống Hàn Mặc Tử:
tôi hay nói chuyện về những dòng chữ ngụ ngôn
những dòng chữ chảy từng hàng não sống
trên chiếc máy in hùng hồn của thác nước
những dòng chữ khai sinh..
(Ngụ ngôn của người đãng trí)
Các nhà thơ siêu thực thường hay nói về những con chữ của mình như thế. Hàn từng viết:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.
(Rướm máu)
Cái hàng não sống ấy chính là máu, là hồn, là tinh lực của thi nhân truyền vào mỗi vần thơ của mình. Họ sáng tác trong những trạng thái xuất thần, hoàn toàn vượt thoát khỏi lý trí và sự kiểm soát của cảm xúc. Đến đây ta lại nhớ đến Tinh huyết của Bích Khê, cũng là một trong những cây bút siêu thực xuất hiện trong thi đàn Thơ Mới lúc bấy giờ. Cả Bích Khê, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử cùng nằm trong Trường thơ Loạn. “Loạn” ở đây không giống như sự nổi loạn thông thường mà “loạn” trong chính cái thế giới của họ, thế giới của tâm thức và tiềm thức. Thơ xưa nay sáng tác dựa trên các kỹ thuật câu cú thì đến bây giờ cái “loạn” ấy lại đề cao yếu tố tố tự động, viết như dòng thác ký ức đang tuôn chảy dạt dào. Đó giống như một quá trình thoát thai đau đớn và dữ dội những hình ảnh vốn nằm sâu trong vô thức của mình. Chính vì thế nếu Hàn Mặc Tử ngày xưa thoát lên “thượng tầng thanh khí” thì Ngô Kha không nói ông đang ở chỗ nào, chỉ biết thế giới trong thơ ông đã “nằm ngoài vùng phán xét của con người”, nghĩa là không ai có thể lấy kinh nghiệm bản thân để hiểu và phán xét nó. Xưa kia Hàn Mặc Tử có “Thơ điên” thì Ngô Kha ngày nay có “Ngụ ngôn của người đãng trí”. Tuy cùng nằm trong cùng một trường nghĩa là đánh mất lý trí nhưng chính cái đãng trí đó mới thật sự là Ngô Kha. Nghĩa là ông không hoàn toàn mất trí, không “điên”, mà đãng trí là một trạng thái của tinh thần trong một giai đoạn nào đó của con người. Đãng trí nên có sự nhập nhằng giữa mơ và thực, giữa thiên đàng và hạ giới… Và đó chính là nguyên nhân và cũng là bước đệm cho những chuyển biến trong thơ Ngô Kha trong những tập sau này.
Không chỉ trong hai tập thơ Hoa cô độcNgụ ngôn của người đãng trí, người đọc còn tìm thấy dấu ấn siêu thực trong các bài thơ rời của Ngô Kha. Có một điều dễ nhận thấy trong những bài thơ này là sự đan xen giữa hiện thực và siêu thực, hòa trộn giữa chiêm bao và thực tế. Tuy cảm thức siêu thực đã ăn sâu vào tâm thức chung của các nhà thơ lúc bấy giờ nhưng chính yếu tố xã hội là nguyên nhân tác động làm nên điều đó. Mùa đông chiến tranh ở Huế, một bài thơ rất thực nói lên hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, có thời gian và không gian cụ thể. Ấy thế nhưng trong đó ta vẫn thấy những đoạn như :
mưa thì vẫn không thôi ru hoài điệu cổ bản
mưa vẫn không thôi ru hời ở trên cao
núp dưới tàn cây sồi những ngôi nhà cổ kính
thánh thần đã ngủ yên
trong chiếc nôi thủy thạch
các phiên khúc trùng âm nhức buốt
của người nghệ sĩ cổ truyền
những tiếng ngũ âm chảy trên gỗ quý
như nốt ruồi cô đơn
di động trong tim
bóng tối Việt- Nam
mấy nghìn năm trên thành quách này
đã vùi chôn trong lòng thiên thể
trên cánh tay vàng úa mùa đông
nỗi chết truyền đi qua từng chiếc lá…
Cơn mưa bên ngoài đã dẫn một đường truyền vào nội tâm nhà thơ. Ngay trong giây phút đó, tâm hồn ông đã siêu thăng vào cõi hồn vạn vật, chìm vào thế giới của mộng một cách tự nhiên mà không cần một cố gắng kỹ thuật nào. Cũng như cái “mặc khải” bất chợt của nhà thơ trong một buổi chiều u tịch:
chân trời vô ngã đã mở ra
ta mặc khải nghe lưng chiều ngựa hí.
(Mặc khải) ([6])
Cảm thức về cái mặc khải tự mang trong nó ý nghĩa tâm linh huyền diệu mà không phải ai cũng cảm nhận được. Và chỉ với Ngô Kha, một trái tim nhạy cảm cùng giác quan nhạy bén mới có thể đạt đến được phút giây vi huyền ấy. Nó làm cho thế giới siêu thực trong ông có thêm điểm tựa, rằng trái tim ấy đang căng hết tầng rung động với những giai âm của cuộc đời bật ra thứ ánh sáng lung linh…


[1] Chữ dùng của Đỗ Lai Thúy
[2] Truyền thuyết về Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau vào tháng 7.
[3] Lời phát biểu trong tựa tập Thơ Điên.
[4] Võ Quê, Thi sĩ Ngô Kha – trung thực một đời thơ, trong Ngô Kha – Ngụ ngôn của một thế hệ (2005), NXB Thuận Hóa, tr 243.
[5] Ngô Minh, Ngô Kha – một cõi tang bồng, trong Ngô Kha – Ngụ ngôn của một thế hệ (2005), NXB Thuận Hóa, tr 285.
[6] Đăng trên Đất Nước số 18, tháng 2&3 – 1970.

Tháng 6.2011
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...