“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

BÀI NGHIÊN CỨU: VÕ MẠNH HẢO - TỪ "GIỌNG VÀNG CÂM"...


Nguyên Hậu
Võ Mạnh Hảo là cây bút thơ trẻ của Hội văn học nghệ thuật Long An. Làm thơ từ thời sinh viên, Võ Mạnh Hảo sớm thể hiện tài năng thơ ca của mình qua các giải nhì thơ “Chân dung tuổi mới lớn” (2003) và giải “Trái me vàng” trên báo Mực tím. Sinh ra thuộc thế hệ 8X (1981), nguyên quán ở Bến Tre nhưng đang sống và công tác tại Long An.
Có lẽ người ta biết đến tên Võ Mạnh Hảo nhiều nhất kể từ khi anh nhận được Giải nhì cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long năm 2006 bởi một phong cách sáng tác rất mới so với mặt bằng chung của thơ đồng bằng lúc bấy giờ. Ấp ủ một niềm yêu thơ, hai năm sau đó (2008) anh đã cho ra đời tập thơ đầu tay mang tên “Bụi cám bay” như một sự minh chứng cho quá trình hoạt động nghệ thuật nghiêm túc của mình. Võ Mạnh Hảo đã có một sự đầu tư rất công phu đứa con của mình, 44 bài thơ được chia làm hai phần với tựa đề “Phố” và “Ngoại tình với cánh đồng”, sự phân chia nhưng cũng là một sự kết hợp vô cùng ý nghĩa. Ngay từ cái chạm tay đầu tiên với tựa tập thơ, anh đã mở ra cho chúng ta biết bao suy nghĩ. Có lẽ điều đó được định hình ngay trong câu đề từ “Ta nhận ra quê trong bụi cám bay…” Phải chăng ý nghĩa của tập thơ nằm ngay ở đó? Xuyên suốt tập thơ là tình cảm của một đứa con dành cho quê hương của mình, mảnh đất đồng bằng bạt ngàn nắng gió và cánh đồng với những hình ảnh vô cùng quen thuộc. Dòng sông, cánh đồng, ánh trăng, cánh bướm hay có khi còn là cái mùi rơm rạ lẫn trong cái mùi phân trâu hanh nồng ngai ngái… Chất quê, chất đồng bằng là ở đó, dẫu có đi xa rồi vẫn không thể nào quên.
Mỗi nhà thơ đều để lại chỗ đứng của mình trong lòng độc giả với một phong cách sáng tác riêng, nhưng không phải ai cũng có một phong cách rõ ràng. Với Võ Mạnh Hảo, tuy là một cây bút trẻ nhưng anh đã sớm định hình cho mình một phong cách sáng tác rất riêng. Cầm trong tay tập thơ “Bụi cám bay” của anh, hẳn người đọc đã từng quen thuộc với thơ đồng bằng sẽ rất ngạc nhiên bởi phong cách rất lạ mà anh mang đến. Chút gì mặn mà của đồng bằng còn đọng lại trong từng câu chữ, từng ý thơ nhưng anh lại khoác cho nó một lớp trang phục vô cùng hiện đại. 44 bài thơ được chia thành hai phần khác nhau nhưng không nằm ngoài âm hưởng chủ đạo mà tập thơ mang lại. “Bụi cám” - một chất liệu quê nhà vô cùng thân quen với vùng đất nông nghiệp, trồng lúa quanh năm. Và “bụi cám” cũng đã làm nên cái hồn của tập thơ như làm nên cái hồn của những người dân nơi đó vậy.
Đọc thơ anh ta cảm nhận được một cái nhìn rất mới khoác lên trên những hình ảnh, những chất liệu tưởng chừng như vô cùng thân quen của xứ đồng bằng. Đó là mùi bùn đất, là con sông, làn khói, cánh đồng hay cả cái mùi hăng nồng của lớp phân vừa mới ủ… Đó còn là mảnh trăng nghiêng nghiêng “biếng lười ngủ gật ngoài sông”.
Cũng là hương vị đồng bằng nhưng ta không bắt gặp nó trong những câu thơ mượt mà chân chất vốn rất phổ biến mà là những câu thơ tự do gấp khúc với sự phát hiện vô cùng mới mẻ dường như chỉ có trong thơ anh. Cũng là hình ảnh con sông nhưng con sông trong thơ anh không hiền hòa với con nước ròng nước lớn mà như một vết cắt ngang đôi bờ sự sống:
            Con sông lạc chia hai bờ phố
            Chia sự tỉnh lặng thành hai nửa…
                                    (Phố)
Ánh trăng cũng thế, một cách lý giải thật mới mẻ không kém phần tinh nghịch:
             Sinh ra từ nước mắt vị thần
            Trăng ngủ trong mây như đứa trẻ lười biếng
            Đỏng đảnh không già…
                                    (Phố)
Bước vào thơ anh, người đọc sẽ đi hết sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước đôi mắt tinh tế trong cách cảm nhận sự vật. Nhìn chiếc lá vàng rơi, anh lại nghĩ đó là cánh thư mà vạn vật gởi cho nhau để bày tỏ nỗi niềm khi đất trời sang thu:
            Những lá thư không cần hồi âm
            Thả đầy trên mặt đất với nỗi niềm căm lặng
 …
             Gieo vào góc nhớ thương
            Những hạt mầm kỷ niệm
                        (Khoảnh khắc thu)
Những cánh lá bay về trời được tác giả thổi vào đó một linh hồn, một khoảnh khắc sống dẫu là vô cùng ngắn ngủi, bởi lá đã già úa, lá “không còn trẻ nữa”.
Với anh việc làm thơ đòi hỏi rất nhiều công phu và trách nhiệm. Xóa đi sự dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật, với anh, sáng tác thơ không phải chỉ có cảm hứng mà còn là một quá trình ấp ủ, chiêm nghiệm, một quá trình lao động nghệ thuật thật sự (khác với cách viết theo cảm xúc của rất nhiều nhà thơ đồng bằng). Điều đó phần nào làm cho thơ anh không rơi vào lối sáo mòn, cũ kỹ mà luôn ẩn chứa ý nghĩa rất sâu sắc, một chút triết lý của cuộc sống qua con mắt tinh tế của nhà thơ:
             vào một đêm trong giấc mơ tôi
             ông ra đi cùng với khu vườn
            đôi tay rắc đầy phấn bướm
             dắt theo con sâu già chưa hiểu nổi đời mình
            (Khu vườn)
Hay:
            Tôi ngồi đối diện với ông như đối diện với mảnh đất nghèo cũ kỹ
            Nghe ông hát bài ca quê hương…
            Cánh cò nhớ lúa bay rợp trời quê mẹ
            Bay qua giấc mơ tuổi nhỏ…
            (Không đề buổi sáng)
Đến với thể thơ tự do Võ Mạnh Hảo được thỏa sức vùng vẫy cho ý tưởng của mình. Những câu thơ dài ngắn không đều, đôi khi gấp khúc tạo cho thơ anh có cung bậc rất riêng, bày tỏ cụ thể những sáng tạo của mình. Đúng như ban đầu đã nói, thơ anh thể hiện rất rõ ý thức cách tân trong thơ trẻ bây giờ. Nhưng đến với những bài thơ ấy, ta không thấy cái xô bồ của câu chữ, sự dễ dãi của từ ngữ cũng như không đơn thuần là cách “gây sốc” như xu hướng thơ trẻ bây giờ. Vẫn có sự nhẹ nhàng, vẫn giữ phong vị truyền thống.  Hay nói đúng hơn, Võ Mạnh Hảo đã nhào nặn những chất liệu tưởng chừng đã cũ để cho ra một sản phẩm mới có chất lượng thật sự. Cảm xúc trong thơ anh không dàn trải đều đều, luôn ẩn chứa một góc khuất cần thiết trong nghệ thuật. Anh như cố tình che đi để tạo nên những vỉa tầng cảm nhận khác nhau. Ta hãy thử đọc và cảm nhận những câu thơ mang đậm chất nhân văn ấy:
 Người già quê tôi hay nghĩ về cỏ
Về ngôi mộ nào vừa đắp hôm qua
Đôi mắt người già đục như sông làng, nhưng ẩn chứa nỗi bình yên trú ngụ
 Tôi muốn thả chiếc thuyền nỗi nhớ
 Nhìn lũ trẻ cười - nhảy vạ vào sông
                        (Trò chơi)
Hay nỗi lòng của một đứa con đã từng tắm trên dòng sông quê, trưởng thành từ vùng đất đồng bằng nghèo khổ:
            Tôi chạy trên mặt đất lỗi lầm nghe bàn chân run bật
            Vấp phải rảnh cày xưa nơi cất giữ giọt máu của mình
            Vết thương giờ liền hẳn
            Sẹo như chiếc lá bùa
            Nơi giọt máu mọc lên nhành lúa
             Cong mãi về tuổi thơ…
                        (Cánh đồng 3)
Với mỗi người dân quê, mảnh đất đồng bằng chính là người mẹ hiền sinh ra và nuôi dưỡng cuộc đời họ. Đất oằn mình đau đớn sau mỗi lần hạ sinh mùa màng, mang lại đời sống vật chất và tinh thần cho từng con người trên mảnh đất quê hương. Hơn ai hết Võ Mạnh Hảo là người thừa hưởng và đau đáu điều đó:
             ngực tôi giờ mang nhiều vết phù sa châu thổ
             những nếp nhăn được cha truyền lại
             tôi tự sinh dấu chân
             đo nỗi đau cánh đồng sau từng vụ gặt
            nhát cuốc đầu tiên tôi lấy đi phần da thịt của đất
             mãi mãi suốt đời
             trong giấc mơ tôi ám ảnh một gương mặt
             cứ đến mùa lại trổ giọng vàng câm…
                                    (Cánh đồng 3)
Đến với “Bụi cám bay”, có một điều có lẽ ai cũng cảm nhận được, đó là “dấu chân thời gian”. Nếu làm một phép thống kê nho nhỏ, khi nhìn vào mục lục của tập thơ anh ta cũng thấy rõ điều đó. Có tới 16 trên tổng số 44 bài thơ là những từ có nhắc tới khoảnh khắc, ngày, mùa… Và đúng như tên của tập thơ, “Bụi cám bay” gợi cho ta dấu hiệu của cái khoảnh khắc, của sự đổi thay. Tại sao là “bay” nếu thời gian không ngừng lại? Trong tập thơ cũng có nhiều bài thơ nhắc tới tuổi trẻ và hình ảnh người già.
             Ông tôi thường phơi nắng
Lớp da chảy trên ngực ông như một lớp mơ buồn
            Những đốm đồi mồi lặng lẽ
             Bị thời gian thêu chặt
            Trên da thịt ông hình những đồng tiền…
(Khu vườn)
Phải chăng chính thời gian đã tạo ra những đổi thay đó, cũng chính thời gian làm cho những gì hiện hữu trong hiện tại trở thành kí ức cho ngày sau? “Bụi cám” là những gì đọng lại trong ký ức của chàng trai trẻ có tâm hồn lãng mạn này:
             Dường như…
             Ai gọi tôi về phía cánh đồng
 Khiến giấc mơ chòng chành vỡ ra những chùm hoa như ngàn đốm lửa nhỏ
             tôi men theo dấu chân chiều muộn
            thở nồng nàn hương vị tháng giêng …
                        (Chiều xuân)
Tập thơ là niềm cô đọng lại những ký ức đồng bằng đang từng ngày từng giờ sống trong anh, người con trai dẫu có lên thị thành vẫn không bao giờ rũ được lớp phù sa của quê nhà yêu dấu. Một cái nhìn lặng lẽ trầm mặt, một góc nhìn rất sâu, từ trong tâm khảm vọng về lời rì rầm của đất:
              Em nghe cánh đồng rì rầm trong giấc ngủ
             Bờ đất dâng lặng lẽ tiếng cười
             Tiếng lọc cọc thời gian người nông dân đi làm buổi sớm
             Sông ngửa mặt nhìn những ngôi nhà
            Dìu dịu phù sa…
                        (Giấc mơ)
Để kết lại bài viết về tác giả thơ trẻ tuổi này ta chỉ có thể nói một điều, với anh, trái tim của một người yêu thơ và yêu đồng bằng như quyện lại làm một. Cũng cách tân thơ nhưng anh không cố công làm ra câu thơ hiện đại đơn thuần về mặt hình thức mà hơn cả là một sự phát hiện những khía cạnh rất tinh tế của sự vật, hay nói đúng hơn là hiện đại từ trong cốt lõi của câu từ. Nếu chỉ đọc thơ mà không biết gì thêm về tác giả có lẽ khó ai trong chúng ta nhận ra đây là một cây bút đồng bằng trong thế hệ 8X như hiện nay.

Tháng 8.2011
N.H


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...