“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

BÀI GIỚI THIỆU: ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ


ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ
Nguyên Hậu
Một buổi "chơi" Đờn ca Tài tử trên sông nước Nam Bộ
Mỗi vùng miền đều có một loại hình nghệ thuật riêng, mang đậm cái hồn của người dân nơi đó. Trên chuyến hành trình về miền đất phương Nam đôi khi vô tình nghe đâu đó vang lên một giọng ngân dài, tha thiết, đượm buồn thấm đẫm cái nghĩa cái tình chất chứa từ trong hơi thở. Chỉ một cung điệu, một giai âm cũng đủ xao xuyến lòng người. Cái tên nghe ra cũng có phần đặc biệt, khai sinh từ tính cách của những người con trên mảnh đất đồng bằng. “Đờn ca Tài tử”, loại hình thế nào, cái tên thế ấy, nghe mộc mạc và bộc trực làm sao. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tuy không thật sự nở rộ như các loại hình âm nhạc khác nhưng như một cái gì tiềm ẩn, không ai có thể dập tắt được. Bởi nó được sinh ra, tồn tại như hơi thở, đằm sâu trong huyết quản của những người con Nam bộ. Không cầu kỳ, không sang trọng như những loại hình nghệ thuật khác, phải biểu diễn trên sân khấu, cũng không cần trang phục đẹp đẽ, cao sang, Đờn ca tài tử tồn tại như cái mộc mạc vốn có của cuộc sống nơi đây. Đi xuồng trên sông nước Cửu Long, bất chợt nghe giọng ngân cao vút hay một câu xuống xề ngọt lịm mà ngây ngất trong lòng… chợt gợi về tâm sự trong hành khúc phương Nam...
Thế nhưng theo dòng chảy gấp gáp của nền văn minh hiện đại, trước những bon chen, xô đẩy của thời cuộc cùng sự xâm nhập của những loại hình vui chơi giải trí khác, Đờn ca Tài tử đang đứng trước nhiều ngả rẽ, như đứa trẻ miền quê ngơ ngác trước buổi chợ đời. Nhiều người không còn mặn mà với những bản Tài tử đậm chất dân dã.  Thanh niên nông thôn ngày nay cũng hiếm khi thưởng thức, đôi khi lại không biết đàn, hay hát một câu Vọng cổ, một bản nhạc Tài tử mặc dù họ được sinh ra, nuôi dưỡng trong cái nôi của loại hình này. Đáng buồn hơn, nhiều người trong lớp trẻ ngày nay còn nghĩ rằng chơi Đờn ca tài tử vào thời buổi này là “quê”, là “lúa”, rằng sành điệu thì phải nghe nhạc nước ngoài, nghe nhạc trẻ, pop, rock, hiphop…. Đờn ca Tài tử trở nên xa lạ trong mắt nhiều đứa con quê…
Có thể nói, Đờn ca Tài tử là nét đẹp truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu, là sản phẩm văn hóa được người dân Nam bộ rèn luyện, nhào nặn hơn một thế kỷ qua. Gần đây, Cục Di sản Văn hóa Việt Nam dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Chính phủ đã tổ chức hội thảo quốc tế từ ngày 9 đến ngày 11/01/2011 tại Khách sạn Rex (thành phố Hồ Chí Minh). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các đề án xây dựng hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vì nghĩa đó, Đờn ca Tài tử hiện cần được bảo tồn, phát huy và phổ biến rộng rãi. Hơn nữa, cần có sự tác động từ nhiều phía để Đờn ca Tài tử có thể tồn tại và phát triển lâu dài, trở thành di sản văn hóa tinh thần của cư dân Nam bộ. Nhận thấy thực trạng và tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật này, có một nhóm sinh viên của trường ĐHKHXH&NV TP. HCM, cũng là những đứa con của miền đất phương Nam, đã làm một công trình nghiên cứu mong muốn đóng góp công sức trong việc tìm hiểu, tập hợp tài liệu nghiên cứu về loại hình nghệ thuật của quê hương. Công trình có tên “Đờn ca Tài tử ở Nam Bộ hiện nay”.
Nguyên Hậu xin giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết trong công trình này trong loạt bài đăng dưới nhan đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ” với mong muốn được chia sẻ với tất cả mọi người về loại hình nghệ thuật mang hồn đất phương Nam này. Rất mong nhận được sự chia sẻ, đóng góp của tất cả các bạn đọc.

Tháng 8.2011
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...