Tản mạn Long An
Nguyên Hậu
Tượng đài “Long an trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” |
Sáng nay thức dậy tự dưng thấy bâng khuâng một cái gì không cụ thể, chỉ len lỏi cảm giác… nhớ, nhớ đến nao lòng. Mở lại bản nhạc được nghe cách đó không lâu trên những hành trình về miền Tây, thấy vừa gần vừa xa. Ước gì ngay bây giờ được chạy vù về dưới, không để làm gì, chỉ được đi, đi cho đỡ nhớ…
Nhớ đoạn đường dài hơn 60km về Long An, nhớ từng cái bùng binh, từng chiếc cầu dẫn về nơi đó. Nhớ thành phố Tân An hẹp như cái lỗ mũi mà đi lúc nào cũng bị lạc, chạy qua chạy lại thấy quen quá trời mà không biết chỗ cần đến là đâu. Nhớ tô hủ tiếu mặn ở Long An có chút hương vị riêng không giống ở Sài Gòn hay nơi khác, nhớ quán cơm tấm ngon ơi là ngon ngay dưới chân cầu hướng siêu thị CoopMart nhìn ra. Nhớ công viên Long An chiều mưa tầm tả, ngồi nhấm nháp ly café mà trào dâng chút cảm xúc nơi đất khách. Có một điều lạ là mỗi lần đi về miền dưới, không bao giờ tôi có cảm giác xa lạ, dù là khách mà cứ như một đứa con xa lâu lắm mới về thăm, nhìn người nào cũng mang những nét thân quen.
Nghĩ về Long An còn nhớ cả mấy cái quán café dù chỉ một lần ghé chân cũng không bao giờ quên được. Nhớ “Điểm hẹn 2” ngay đầu đường vào thành phố Tân An, cả “Điểm hẹn 1” trong góc nhỏ ở đường Hùng Vương nữa. Mỗi quán có một phong cách phục vụ riêng, không đánh giá chất lượng thức uống, chỉ thấy có gì hay hay, đúng là “điểm hẹn”. Vậy mà lần sau xuống thì hỡi ôi, “Điểm hẹn” đâu mất tiêu rồi, thấy bơ vơ… tiếc nuối bâng khuâng…
Nghĩ lại mới thấy, thành phố Tân An bé thế mà cũng có nhiều quán hay đáo để, đủ mọi phong cách phục vụ, phù hợp cho mọi loại khách. Có quán vào mở toàn nhạc Trịnh, có quán là nhạc trẻ, có quán lại thích cái nhẹ nhàng của những bản hòa tấu. May mắn là dù xuống có vài lần nhưng tôi cũng được nếm đủ các hương vị ấy. Nhạc dù nơi nào cũng như nhau, ở Sài Gòn không thiếu những gu như thế, nhưng mỗi lần bước chân vào những quán ấy, tôi có cảm giác, đây đích thực là Long An, chỉ là Long An. Nói thế chắc sẽ có người cho tôi bảo thủ, nhưng nếu cảm nhận kỹ, nhịp sống ở Long An ngày nay không cách xa mấy so với Sài Gòn (vì gần nhau về địa lý), nhưng vẫn chưa phải là Sài Gòn vì dù gì nó vẫn là vùng đất địa đầu của mảnh đất miền Tây Nam bộ. Nó vương chút hiện đại nhưng vẫn còn trong đó cái không khí thanh bình, có chút cổ kính, thôn quê. Đó là dành cho trung tâm thành phố chứ nếu đi vào các huyện như Mộc Hóa, Bến Lức, Thủ Thừa… thì còn đậm chất thôn quê. Mỗi lần xuống dưới dù không có chuyện gì, tôi vẫn thường rẽ xe vào những con đường nho nhỏ của những huyện đó để tận hưởng chút hồn quê…
Nhắc đến đây mới nhớ, tôi lo quanh quẩn ở trung tâm mà quên bén cái “quán ruột” mà mỗi lần về dưới nếu có hướng về Tiền Giang thể nào cũng ghé qua ăn cho bằng được. Quán nằm trong một con đường nhỏ nhưng được tráng nhựa cẩn thận, hai bên có nhiều lúa, nhìn rất thích. Nếu nhớ không lầm thì đó là con đường dẫn vô lăng mộ ông Nguyễn Huỳnh Đức (bên ngoài có đặt cái cổng rất hoành tráng nên không khi nào đi lạc). Quán đó rất đúng chất của miền quê, bởi chỉ bán lúc sáng sớm, hoặc khoảng 3, 4 giờ chiều chứ không mở chào khách cả ngày. Có một điều đặc biệt làm tôi thích quán này là cách bán rất thân tình (tôi không dùng từ “phục vụ” vì kèm trong đó là một tình cảm rất riêng), quán sạch sẽ, giá rất “thôn quê”. Nói chung ăn ở đó thấy rất yên tâm, quán cũng xa quốc lộ nên rất yên tĩnh. Tôi đặc biệt thích món cháo lòng buổi sáng ở đó, tuy ở xa nhưng mỗi lần có dịp xuống là tranh thủ đi thật sớm để được ăn món cháo lòng nơi đó, y như “khách ruột”… làm những người ở đó thấy cũng lạ lạ…
Cũng có một kỷ niệm vui gắn với quán đó mà mỗi lần nhắc lại, cả tôi và mấy đứa bạn đều không nhịn được cười. Lần đó chúng tôi đi một nhóm gồm 4 người, trong chuyến gặp gỡ các nhà thơ miền Tây để phục vụ công trình nghiên cứu. Chúng tôi đi một lượt 5 tỉnh, xa nhất là An Giang mà chỉ bằng xe máy, giờ nghĩ lại ai cũng … lắc đầu. Chúng tôi có hẹn với nhà thơ Đinh Thị Thu Vân ở Long An, hẹn trước đàng hoàng, vậy mà tới thời điểm cần gặp thì cô Vân … bận! Đi đường dài hơi mệt, bốn đứa chúng tôi thất thểu ngồi trước cổng Khách sạn Bình Yên (Tân An) (mà tâm trạng lúc đó thì không “bình yên” tí nào). Được một lúc định tìm quán ngồi thì hỡi ôi cái bánh xe xẹp lép mất rồi! (nạn nhân xa lộ). Thế là lại mất một khoảng thời gian để vá xe. Xong xuôi đâu đó, buồn vô cùng nhưng không thể hủy hẹn với cô nên đành chờ đến khi cô gọi lại. Chợt nghĩ ra cái quán hồi sáng ghé ăn, chúng tôi quay lại, nhưng buổi chiều người ta chỉ bán gỏi cuốn mà thôi. Lúc đó tuy không đói lắm, nhưng cả nhóm 4 người quyết định gọi 12 cuốn gỏi. Thật ra đó cũng là chuyện bình thường với sức ăn của mọi người. Nhưng vừa gọi dứt lời thì cô Thu Vân gọi đến nói đang chờ chúng tôi ở bưu điện Long An. Trời ạ, người ta nói “trời đánh còn tránh bữa ăn”, vậy mà… không còn cách nào khác, tôi đành hứa với cô là sẽ tới liền (vì không thể để người mình hẹn đợi thêm, trời lại đang mưa). Tôi ậm ừ, vừa tắt xong điện thoại thì ngó lại, 12 cuốn gỏi bay đâu mất tiêu… trong vòng không đầy 2 phút. Cả nhóm nhìn nhau mà không nhịn được cười, không ngờ lực ăn của các bạn đáng nể thật, tôi chỉ sợ ăn không kịp mà giờ thì… Bây giờ công trình đã đâu vào đó, nhưng mỗi lần nhắc đến quán đó ai cũng không nhịn được … cười!
Nhớ Long An, tôi còn nhớ cả mấy chuyến đi về trong vội vã, có khi tràn ngập tiếng cười, có khi lại buồn đến… ngất ngây. Có một điều đặc biệt, không hiểu sao mỗi lần dong xe về dưới, lần nào cũng bị mắc mưa. Có lẽ đó là ấn tượng của những chuyến về miền Tây, thật lạ mà cũng vô cùng thân quen…
Tháng 8.2011
N.H
long an ma! quê cua tui do
Trả lờiXóamuốn ghé Long an quá nè. 22/8 này là xuống đó rồi. hy vọng tìm được "Điểm hẹn" khác.
Trả lờiXóamuốn về miền tây quá nè
Trả lờiXóa