“Cuộc đời không phải là xâu chuỗi thật sự vui, xâu chuỗi có nhiều hạt lớn, hạt nhỏ, hạt xấu, hạt tốt, hạt cười, hạt khóc, hạt hạnh phúc, hạt vô hạnh… nó là xâu chuỗi vô thường” (Mạc Can)

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

THI SĨ NGÔ KHA: MỘT SỐ PHẬN ĐẶC BIỆT

 Nguyên Hậu

Ngô Kha sinh ngày 2 tháng 3 năm 1935, mất ngày 30 tháng 1 năm 1973, quê ở Thế Lại Thượng, thuộc thành phố Huế ngày nay. Cha từng làm quan trong triều Nguyễn nên dù nhà có đông anh em, tất cả đều được học hành tử tế. Ngô Kha là con út trong gia đình ấy, tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư Phạm Huế (1958 - 1959), tốt nghiệp Cử nhân luật khoa (1962), sau đó dạy văn và Giáo dục công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo ở Huế từ 1960 cho đến khi bị thủ tiêu vào 1973.
Quãng đời Ngô Kha từ khi sinh ra đã phải ở trong tình trạng đất nước không có nền độc lập. Năm 1954 sau khi Pháp cuốn cờ ra khỏi Việt Nam, đế quốc Mỹ đã chính thức thay chân tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Cùng với chế độ tay sai Ngô Đình Diệm được dựng lên, Mỹ dồn dập đổ tiền vào các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự và cả văn hóa tư tưởng nhằm đầu độc nền văn hóa Việt Nam.
Để phục vụ cho chính quyền thực dân, chế độ Ngô Đình Diệm ra chính sách động viên bắt lính vô cùng khắt khe. Những thanh niên lúc bấy giờ vừa rời khỏi ghế nhà trường đã phải chịu lệnh động viên để rồi phải chạy trốn hoặc đi vào quân ngũ một cách tự nguyện hoặc không tự nguyện. Ngô Kha cũng nằm trong số đó. Năm 1966 (?), ông bị động viên vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức ([1]), đóng quân ở miền Nam ([2]) một thời gian ngắn. Các sự kiện chính trị từ năm 1963 trở đi có tác động rất lớn đến suy nghĩ, tư tưởng của tầng lớp sinh viên trí thức. Lúc bấy giờ rất nhiều phong trào bãi công của công nhân, bãi thị của tiểu thương, đồng bào Phật tử, sinh viên học sinh liên tục nổ ra nhất là ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… Để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng và cứu vãn tình hình, Mỹ mưu toan để quân đội làm cuộc đảo chính lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963. Nhưng liên tiếp hai năm sau đó chính quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên. “Chỉ trong vòng 19 tháng đã có đến 13 chính phủ được dựng lên rồi bị lật đổ… trong mắt nhiều người nhất là giới thanh niên sinh viên đây là thời kỳ đen tối nhất của xã hội miền Nam([3]). Mâu thuẫn nội bộ giới cầm quyền càng thêm khoét sâu làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân được dịp bùng nổ mạnh mẽ. Tiếp thu tư tưởng từ những phong trào đó, từ năm 1963 Ngô Kha luôn nổi bật trong các hoạt động học sinh sinh viên ở Huế và các đô thị miền Nam như một người trí thức yêu nước và một nhà thơ tranh đấu. Ông tham gia vào các phong trào đấu tranh đô thị từ những ngày tham gia nhóm “Quán Bạn” với Trần Quang Long, “Tuyệt tình cốc” với anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Năm 1964 địch đàn áp nhóm Quán Bạn, cùng với nhà thơ Trần Quang Long, Ngô Kha lúc bấy giờ cũng bị bắt giam. Năm 1966, giữa phong trào chống Mỹ - Thiệu – Kỳ ở Huế Ngô Kha tham gia tổ chức chiến đoàn Nguyễn Đại Thức ([4]) – một đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai chống lại Thiệu – Kỳ, chốt chặn với lính thủy quân lục chiến nhiều ngày ở đèo Hải Vân. Chiến lược thất bại, một lần nữa ông bị vào tù, lần này Ngô Kha bị đày ra Phú Quốc một thời gian.
Sự kiện Mỹ thay đổi chiến lược từ “chiến tranh đơn phương” đến “chiến tranh đặc biệt” rồi “chiến tranh cục bộ”, cũng như chính sách “thay ngựa giữa dòng” vào năm 1963, chẳng những không thể thay đổi được tình thế mà càng làm lộ rõ những bất ổn trong bộ máy chính quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn bấy giờ. Đó là cơ hội cho làn sóng đấu tranh Cách mạng dâng cao. Hàng loạt những sự kiện chính trị đã tác động lớn lao đến tinh thần của tầng lớp trí thức yêu nước. Trong xã hội ngoài hai lực lượng là Việt Nam Cộng hòa và phía Cách mạng còn xuất hiện thêm lực lượng thứ ba là những trí thức có tư tưởng tiến bộ. Họ đứng lên kêu gọi hòa bình, phản đối chiến tranh. Tại miền Nam vào những năm 1965 – 1968 mức độ và cường độ phát triển của chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Đại diện của những tôn giáo lớn – một thành phần vốn không tham gia vào hoạt động chính trị, lúc bấy giờ cũng đứng lên tập họp gióng lên hồi chuông báo động nhằm ngăn chặn phần nào sự tàn bạo, khát máu của đội quân xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai bán nước. Hàng loạt các tổ chức phản đối chiến tranh ra đời như Liên Minh các lực lượng dân tộc – dân chủ và hòa bình, Hội văn nghệ sĩ yêu nước – yêu hòa bình, Phong trào dân tộc Tự Quyết([5])
Bước vào những năm 70 khi phong trào đô thị bùng phát dữ dội ở cả Sài Gòn và Huế, sinh viên học sinh cùng những trí thức lương tri thấy mình không thể ngồi trên ghế giảng đường được nữa. Họ cùng nhau xuống đường, hình thành nên “trận địa đường phố” với rất nhiều hoạt động ý nghĩa cả về văn hóa lẫn chính trị. Lớn lên trong cảnh nước nhà không yên ổn, như bao thế hệ trẻ miền Nam vùng tạm bị chiếm, một trí thức Sài Gòn đã có nhận xét “Họ sinh ra đã có ánh hỏa châu thay thế ánh trăng vàng, tiếng đại bác át lẫn tiếng ru con, đã có những tên lính ngoại quốc bắn phá xóm làng, sát hại thường dân, hãm hiếp phụ nữ”. ([6]) Trong chiều hướng chung của sự thức tỉnh tinh thần dân tộc, tuổi trẻ với giác quan nhạy bén đã sớm ý thức được thân phận mình, từ đó xác định vai trò cùng sứ mệnh lịch sử trước nhân dân. Do đó, trong quá trình “nhận đường”, tuổi trẻ thành thị hiểu được rằng “Theo Cộng hay chống Cộng không phải theo hay chống một lý thuyết mà là theo hay chống những con người cụ thể, yêu nước nhiệt thành”. ([7]) Ý thức vùng dậy đó được phản ánh khá đầy đủ trong các sáng tác thơ ca, kịch, nhạc, họa mà họ sử dụng như một vũ khí đấu tranh chống lại bạo quyền. Rất nhiều sự kiện đấu tranh của tầng lớp nhân dân đô thị trở thành ngọn đuốc tiên phong thức tỉnh lòng người. Trong bức thư gởi cho thầy, một sinh viên đã viết “Thưa thầy, chúng con đã tìm thấy dân tộc qua làn hơi cay, dù lúc đó chúng con đã nhòa nước mắt. Chúng con đã thấm thía thế nào là lòng yêu nước qua vết bầm của dùi cui… Thầy ơi, những lúc đó chúng con sung sướng vô cùng. Khi chúng con bị giải ra tòa với những tội danh ngộ nghĩnh chúng con chỉ phì cười và tiếp tục hát ca. Chẳng còn ý nghĩa gì với chúng con khi điều quan trọng nhất là lý tưởng đã được tìm thấy”. ([8])
Trong suốt khoảng thời gian đó, ngoài công việc giảng dạy, Ngô Kha có mặt trong hầu hết các phong trào đấu tranh ở đô thị. Kể từ đây Ngô Kha đã thực sự rời bỏ “lâu đài trú ẩn” để trở thành một con người dấn thân thực sự. Mùa thu năm 1969, trong một lần bơi thuyền ngược dòng sông Hương cùng những người bạn là Phạm Thế Mỹ, Trần Hồng Quang, Thái Ngọc San, Tần Hoài Dạ Vũ, ông nói rằng: “Nhóm Việt của ông nói đúng. Người nông dân vẫn kiên gan trên cánh đồng dưới làn mưa bom lửa đạn của kẻ thù, thì anh em chúng ta phải viết. Mình lại còn nghĩ thêm điều này, không thể lên rừng. Lên rừng cũng chiến đấu. Nhưng trận địa của mình là ở đây, trên những đường phố này”. ([9]) Đó có lẽ là một bước ngoặt đồng thời cũng là quyết định vô cùng quan trọng mà Ngô Kha trăn trở đã lâu. Cũng chính quyết định đó đã dẫn đến một Ngô Kha luôn kiên gan bền chí cùng sinh viên của mình trên các “trận địa đường phố” để rồi có kết cục bi thảm như sau này. Từ 1970 trở đi ông chủ biên tập san Tự Quyết của văn nghệ sĩ và trí thức Huế (cùng với Trịnh Công Sơn, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Trần Viết Ngạc…). Ông cũng hay có sáng tác in trên các báo, tạp chí in và xuất bản trước 1975 như Mai, Trình Bầy, Đối Diện, Đất Nước, Hướng Đi, Tin Tưởng, Mặt Trận Văn Hóa… Điều đó minh chứng cho tài năng thơ đồng thời thể hiện tầm vóc tư tưởng của một con người sinh ra và lớn lên trong thời tao loạn, thấy cần phải làm một cái gì đó cho dân tộc này.
Từ việc thành lập nhóm đấu tranh Tự Quyết, xuất bản 2 số báo đến việc thành lập Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung (1972), thầy giáo, nhà thơ, chiến sĩ Ngô Kha bây giờ nhập làm một. Ông xuất hiện như một ngọn cờ hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn tuyên chiến với chính quyền Sài Gòn. Ngoài các giờ dạy học ông còn thường xuyên xuất hiện ở các buổi họp mặt sinh viên và các người bạn đồng chí hướng. Càng về sau Ngô Kha càng tỏ rõ quan điểm của mình, ông cùng các trí thức văn nghệ sĩ Huế chính thức ủng hộ tuyên bố 7 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1972, Ngô Kha bị bắt và đưa ra xét xử trước Tòa án Quân sự Đà Nẵng nhưng được  trắng án vì không có cơ sở buộc tội cũng như gặp sự phản đối quyết liệt của sinh viên học sinh cùng các lực lượng tiến bộ ở Huế và miền Nam.([10]) Đứng trước sự đồng tình và mến mộ đó, trong thư trả lời cho học sinh sinh viên Huế, Ngô Kha viết: “Cá nhân thầy không nghĩa lý gì cả, nhưng cuộc đấu tranh của của các em đã giúp thầy một niềm tin: giòng máu anh hùng vẫn không ngừng chảy trong huyết quản các em. Xin cám ơn tuổi trẻ anh hùng”. ([11]).
Sau những lần như thế, ý chí của ông không hề lung đổi, vẫn hô hào, vẫn tuyên truyền khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nixon khát máu” mặc cho sự theo dõi chú ý của chính quyền Sài Gòn. Trong khoảng thời gian từ 1972 trở đi, tình hình an ninh của Ngô Kha ngày càng bị đe dọa. Ông ở trong tình trạng bị theo dõi, đe dọa, ném đá trên đường phố thường xuyên. Có lần trên đường đi dạy về Ngô Kha bị một người lạ mặt ném đá tạt ngang qua đầu. Ông lặng lẽ nhặt lấy mang về nhà để trên bàn làm việc xem đó như một sự cảnh giác hơn là làm kỷ niệm ([12]).
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris vừa ký kết nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam, nhưng không khí chính trị ở Huế vô cùng căng thẳng. Tổ chức định đưa Ngô Kha vào vùng giải phóng để đảm bảo an toàn nhưng ông từ chối. Trong những ngày tháng dữ dội ấy, ông phải vào lánh trong phòng kín của tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế ([13]), ban đêm mới ra ngoài gặp bạn bè, anh em và lại luận bàn chính trị. Đó có lẽ là những ngày tháng cuối cùng ông được sống và hoạt động trong sự chở che của bạn bè để chuẩn bị cho chuyến ra đi vĩnh viễn về miền cô độc.
Về cái chết của Ngô Kha, trước giờ vẫn là dấu hỏi rất lớn trong lòng bao người. Nhưng gần đây đã có những điều tra và thông tin về sự mất tích đột ngột ấy. Theo tài liệu mà Nguyễn Đắc Xuân – một nhà nghiên cứu ở Huế cung cấp, chính Liên Thành ([14]) là người đã ra lệnh thủ tiêu Ngô Kha. Tài liệu có ghi: “Theo ông Lê Quang X. (PA 25, người khai thác can phạm sau năm 1975, nay đã hưu trí), cho biết hồ sơ can phạm khai còn lưu tại Công an Thừa Thiên-Huế thì vào khoảng đầu năm 1973, hai mật vụ Lê Đình Liên và Nguyễn Đình Cáp đi giám thị bằng Honda 67 thì gặp nhà thơ Ngô Kha mặc áo măng-tô trắng, đầu đội mũ phớt đi qua cầu Gia Hội. Liên và Cáp đón đầu Ngô Kha và yêu cầu Kha lên xe. Kha không chút ngạc nhiên bèn hỏi: “Lên xe nào?” Liên đáp: “Xe 67 nầy.” Kha trèo lên xe. Chiếc xe 67 chở ba vụt chạy về gặp Thiếu úy Trưởng G đặc biệt Dương Văn Sỏ tại nhà riêng ở Nguyễn Thị Giang (bên cạnh quán Bar Why not, 21 Võ Thị Sáu, Huế ngày nay). Sỏ nói: “Để tao ăn cơm xong rồi sẽ đi báo ôn.” Ăn xong Sỏ đi báo với Trương Công Ân và Ân báo với Liên Thành. Kết quả các nhân viên mật vụ vừa bắt Ngô Kha nhận được chỉ thị của Liên Thành “1.000 năm mây bay”. Đến 4 giờ chiều Ngô Kha vẫn còn ở Ty thẩm vấn. Ân đến hỏi bọn Sỏ: “Sao chưa hành động?”,chúng nói trời chưa tối. Đến tối mấy đứa Sỏ, Nghệ, Liên, Cáp chở Ngô Kha về hướng Thuận An, lấy búa đánh Kha chết ngay tại Mỹ An rồi trùm bao bố thả xuống hói gần đó. Bọn chúng báo cáo với Liên Thành: “1.000 năm…” xong và đã giải quyết ở Mỹ An. Liên Thành chửi: “Chúng bây quá ngu, như rứa dân chúng biết răng? Đi vớt lên, kiếm chỗ chôn cho thật kín đáo ngay.” ([15]) Tài liệu còn cho biết thêm theo lệnh của Liên Thành, xác của Ngô Kha được vớt lên khỏi bờ hói ở Mỹ An đem lên bỏ nằm chết trần truồng trong phòng thẩm vấn. Lúc bấy giờ Ngô Kha có một người chị là mẹ kế của Phạm Bá Nhạc - Phó Công an quận Hương Thủy, nên trên danh nghĩa Ngô Kha là cậu của Nhạc. Nhạc liền lên Huế xin Liên Thành một “ân huệ” cho phép Nhạc mua cho Ngô Kha một cái săng. Liên Thành đồng ý với điều kiện phải giữ tuyệt đối bí mật, nếu để lộ Nhạc sẽ bị giết ngay. Ngô Kha được táng ở cồn mồ phía Nam Huế. Để giữ mạng sống của mình, Nhạc không dám nói với bà Cao Thị Uẩn, thân mẫu của Ngô Kha. Sau 1975, Phạm Bá Nhạc đi học tập cho đến nhiều năm sau này, trước khi xuất cảnh diện HO, Nhạc có nói nhỏ cho gia đình biết Ngô Kha đã chết vào ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Tý (nhằm ngày 30-1-1973) chứ không phải ngày 25 tháng Chạp như gia đình và bạn bè của Ngô Kha thường tổ chức kỵ trong mấy chục năm qua. Còn xác Ngô Kha được táng cụ thể chỗ nào thì vẫn còn trong vòng bí mật.
Trở về với những năm tháng ngày ấy, khi tin tức Ngô Kha bị mất tích lan ra khắp thành phố Huế đã tạo nên một làn sóng đấu tranh mãnh liệt. Bạn bè, đồng nghiệp cùng những học sinh sinh viên của thầy Ngô Kha đều lên tiếng đòi chính quyền Sài Gòn phải cung cấp thông tin về trường hợp Ngô Kha. Gần 2 năm không có một tin tức nào của ông, tạp chí Đối Diện, tờ báo tiến bộ có uy tín ở Sài Gòn đã dành 62 trang (số 65 - 66) phát hành vào dịp Giáng Sinh năm 1974 để đăng những lá thư, những lời kêu gọi thống thiết của người thân nhằm tìm ra sự thật về sự mất tích đó.
Vấn đề ấy cho đến nay tuy đã được làm rõ nhưng vẫn chưa thật sự vẹn toàn, bởi việc chưa tìm ra hài cốt của nhà thơ xấu số vẫn còn làm day dứt bao người. Tuy nhiên với lương tri ấy, bản lĩnh ấy, con người ấy vẫn mãi mãi là niềm tự hào đối với bao nhiêu thế hệ sinh viên Huế ngày nào. Đến nay khi nhắc đến Ngô Kha, không ai khỏi ngậm ngùi, trong mắt họ vẫn ánh lên một niềm thương kính. Một học trò cũ của thầy kể: "Ngô Kha không chỉ là một người thầy rất tôn kính mà còn là người anh cả, người bạn vong niên mà chúng tôi có thể tâm sự, giãi bày những nỗi ưu tư. Từ sâu trong tâm thức, chúng tôi ngưỡng mộ, quý trọng Ngô Kha như một người anh lớn, rất lớn... Những giờ học với thầy Ngô Kha bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc. Thay vì giảng bài một cách "hiền lành" như nhiều thầy giáo khác, Ngô Kha hầu như chỉ bình luận thời sự, biến giờ học thành một cuộc đối thoại sinh động về ý thức công dân trong một xã hội nhiễu nhương, về dân chủ và cách mạng dân tộc, về chiến tranh và hòa bình. Có lẽ đó là những bài học công dân đúng nhất trong bối cảnh đen tối thời ấy" ([16]).
Ngày 1-1-1981, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế đã ký giấy chứng nhận hy sinh số 153 và đề nghị Nhà nước truy phong liệt sĩ cho nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha. Đến 3-11-1981 Nhà nước đã cấp bằng công nhận liệt sĩ cho ông.
Ngày nay nếu có dịp đến Huế ta sẽ thấy từ trung tâm TP Huế, qua Gia Hội, đi về hướng Bao Vinh, đến phường Phú Hậu, có một con đường khiêm tốn mang tên Ngô Kha, như dấu tích cho một thời bi hùng đã qua.


[1]  Trường huấn luyện của quân đội Sài Gòn
[2] Đức Hòa, Đức Huệ.
[3] Phạm Thanh Hùng (2008), Truyện ngắn trong dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, Luận án tiến sĩ ngữ văn, ĐHQGTPHCM – Trường ĐHKHXH&NV, tr 49.
[4] Theo một người bạn của Ngô Kha, ban đầu có tên là Chiến đoàn Trần Hưng Đạo, sau đổi thành Nguyễn Đại Thức. Lúc này Ngô Kha làm chính ủy Chiến đoàn.
[5] Chinh Văn,  Nhất Chi Mai “Chết mới được ra lời”, Tiếng hát những người đi tới, Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, 1993, tr 67.
[6] Phong Lê (chủ biên), Sức bật của một đội ngũ cầm bút trẻ, trong Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước (1979), NXB KHXH HN, tr 417.
[7] Phong Lê (chủ biên), Sđd, tr 417-418.
[8] Phong Lê chủ biên, Từ bước thức tỉnh mạnh mẽ của tinh thần dân tộc đến “trận địa đường phố”, trong Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước ( 1979), NXB Khoa học xã hội Hà Nội, tr 393-394.
[9]  Theo Tần Hoài Dạ Vũ, Ngô Kha, người bào thức lương tri, trong Tiếng hát những người đi tới (1993), Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, tr 55.
[10] Theo Trần Thức, một sinh viên ngày ấy kể lại, những ngày 7, 10, 11 và 14/3/1972, khi thầy bị bắt và bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự Đà Nẵng, SV- HS Huế đã rầm rộ xuống đường. Trong mịt mù hơi cay và dùi cui, ma trắc của cảnh sát dã chiến, những khẩu hiệu chưa từng xuất hiện trong phong trào đấu tranh đô thị đã vang lên như xé toang lồng ngực: "Hãy trả thầy cho chúng tôi", "Đả đảo bọn ăn cắp thầy"!
[11] Ngô Kha – Ngụ ngôn của một thế hệ, NXB Thuận Hóa, 2006, tr 13.
[12] Theo lời kể của Ngô Vũ, cháu gọi Ngô Kha là chú.
[13] Lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Đức, nguyên là Tổng Thư Ký Hội Sinh viên Huế, một người Thiên Chúa Giáo nhận lời đưa ông vào Tu viện trú ẩn.
[14] Liên Thành lúc bấy giờ là Chỉ huy trưởng BCH/CSQG Thừa Thiên Huế.
[15] Theo tài liệu, Vài điều về Liên Thành, tác giả Biến động miền Trung, Nguyễn Đắc Xuân, ngày 25/11/2009, Nguồn: http://www.sachhiem.net/NDX/NDX017.php
[16] Nguyễn Công Thắng, Người thắp lửa sân trường, trong Ngô Kha - ngụ ngôn của một thế hệ, NXB Thuận Hóa, 2005.

Tháng 6.2011
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...