Trần Thi Ca
Đến An Giang một chuyến phà muộn, buổi chiều phủ dần trên sóng mắt, cảnh và tình càng thêm dào dạt khi bất chợt muốn ngâm nga: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ Quê nhà một góc nhớ mênh mông”. Đó là hai câu thơ trong bài Tiễn bạn của thi nhân chúng tôi tìm đến - nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Sinh năm 1952 tại Mỹ Đức, Châu Phú, An Giang, hiện là Chủ tịch hội Văn Nghệ An Giang. Bạn đọc biết đến ông từ những tập thơ ra đời rất sớm như Quê xa (1994), Lẽo đẽo bụi hồng (1995), Thơ tình mùa xuân (1997), Gởi một người phương xa (1998)… Đồng thời Trịnh Bửu Hoài còn là một cây bút viết tiểu thuyết và truyện ngắn của đồng bằng. Chúng tôi biết đến ông, một con người cởi mở, hiền từ, nét điềm đạm của tuổi tác cùng tình yêu thơ văn quyện chặt trái tim say đời đến vẹn nguyên không gì chia sớt được.
Trịnh Bửu Hoài là cây bút tài hoa ở nhiều lĩnh vực, nhưng nhà thơ từng thổ lộ với một người bạn của mình rằng, ông chỉ muốn là một nhà thơ tình yêu. Tình yêu là dòng thi cảm chảy rạt rào trong tâm thức bao thế hệ thi nhân. Xưa nay thơ tình luôn chiếm vị trí quan trọng, bởi tình yêu thời nào cũng dập duềnh như chiếc lá gần đó mà xa đó. Mỗi chúng ta ít thì một hai mối tình, cũng có người nhiều hơn, ai may mắn sẽ sống trong viên mãn với bến đỗ hôn nhân còn “rủi ro” dở dang cũng không phải là hiếm. Thuở cắp sách đến trường, vẫn còn “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng nếu lỡ rung động trước một dáng kiều phai hay anh chàng học cùng lớp, rồi ép thơ vào trang vở mà hồi hộp… và nhiều lắm những trò tinh nghịch khác. Kỉ niệm đẹp, buồn, lưu luyến ấy ai cũng sẽ mang theo nhưng khó diễn tả cụ thể và có lúc chịu lãng quên - thơ tình nhờ đó mà có thứ để đa mang. Nhà thơ Lưu Trùng Dương nhận xét, thơ Trịnh Bửu Hoài mang lại cho ông “nỗi buồn trong veo đến thánh thiện, một nỗi buồn giúp cho mình yêu thêm đời, yêu sự sống…” ([1]). Đó là dư vị mà cây bút vùng Bảy Núi để lại trong câu chữ của mình. Thơ ông làm thành một dòng chảy riêng với mạch nguồn thời áo trắng hồn nhiên, thương thầm nhớ trộm để rồi vươn đến khúc tình ca miên man suốt đời người, có lúc cuộn chảy trong ông những câu thơ viết về quê hương dào dạt hồn đất phương Nam.
Thơ tình yêu của Trịnh Bửu Hoài nhẹ nhàng trong cảm xúc như lời kể hồi tưởng vu vơ:
Ta có một thời yêu không dám ngỏ
Ngày chia tay em chợt đẹp lạ thường
(Cánh phượng hồng thuở ấy)
Cậu học trò với nét rụt rè rất Á Đông, để dành lại trong lòng những bộn bề và đặt ra câu hỏi cắc cớ cho chính mình:
Em cũng như muôn người con gái khác
Cớ vì sao môi cháy đỏ lòng tôi?
Những trường liên tưởng quen thuộc của buổi chia tay: mùa hè – phượng nở - làn môi thiếu nữ làm nên sức hút của bài thơ, như tình yêu tuổi mới lớn, đầy mơ mộng, háo hức, sáng trong. Trịnh Bửu Hoài “cháy đỏ” trên bầu trời nghệ thuật có lẽ cũng từ đó. Ông kịp ghi lại hương vị mong manh của xao động tâm hồn bằng lối viết giản dị, nhưng đầm ấm, nghĩa tình. Thơ tình Trịnh Bửu Hoài không có cái vồ vập, đắm đuối mà là cảm xúc lắng trong, nhẹ nhàng dẫu không ít lần phải chấp nhận khổ đau. Yêu và hy sinh vì người mình yêu điều đó không có gì lạ, nhưng cái cách hy sinh của nhà thơ vùng Bảy Núi có chút gì thánh thiện khiến người đọc khó tính cũng thấy thích thú. Khi vui người ta hát, khi buồn lại thích… làm thơ. Cũng buồn nhưng cái buồn của Trịnh Bửu Hoài nghiêng về gam màu cổ điển:
Ơi yêu người mà tê tái
Lòng đau như mùa lá chiều
Bay vàng cả hồn thu chiếc
Nhuộm vàng đường tôi quạnh hiu
…
Những đêm sương đầy mơ ước
Lòng bỗng dâng đầy bát tình
(Thương người áo lụa mắt bồ câu)
Vâng, thi nhân là vậy, “bát tình” ấy cứ tràn đầy trong lòng dẫu cho đời thực không ít khi phải thắp lên những “que sầu”. Thơ Trịnh Bửu Hoài có hấp lực ở đó, tưởng như tiếng ngọc ngân gieo vào lòng người:
Tình của tôi chưa tỏ đã thành xưa
Bởi em mới hơn cả ngày vừa tới
(Sao là người mà không phải là ai).
Là âm, là tiếng nên thi nhân dùng cách chứa đựng của riêng mình, rồi khát vọng yêu đương bỗng chốc trở thành “xưa” và tác giả cho không gian tràn ngập lá rơi để đánh lưới lòng mình. Bức tranh tình yêu có hình ảnh thiếu nữ bỗng sáng lên nhiều bởi người yêu cô giành lấy nửa tối, đặt vào cô tất cả sự trìu mến của từ “mới”. Câu thơ cũng lung linh hơn ở cái tình thầm kín của chàng trai. Bằng hình ảnh chưa đủ, nhà thơ dùng thủ bút đóng mở của ngôn từ để chắc chiu hương vị ái tình, bởi ông biết, nó thanh nhẹ vô cùng:
Người ép hoa có ép làn hương mỏng
Sao thơm đầy trong trái tim tôi
(Cảm ơn người ép hoa)
Người Nam bộ thường thích nói thẳng, không quanh co, đó có lẽ là một nét làm nên sự đáng yêu trong thơ của các nhà thơ miền Tây. Trịnh Bửu Hoài cũng thế, nhưng ông tinh tế hơn khi gieo những tình cảm đó vào thơ thật tự nhiên:
Anh chiêm bao em có nằm mơ
Anh trông mong em có đợi chờ
Anh ghét trời sinh em đẹp quá
Anh giận đời xuôi ta gặp gỡ
Anh trách lòng sao nhớ mãi không nguôi
(Em đã đi vào tình sử ta)
Nhà thơ luôn tìm cách đứng từ xa, tạo cho mình một khoảng cách nhất định với người mình yêu, đợi chờ để tương tư, hoài vọng. Có thể thấy, ông dùng những từ chỉ cái nhẹ để chứa cái nặng mà người đọc nếu không tinh tế sẽ cho rằng không sâu sắc, làm rớt mất tâm tình bên trong:
Người ra đi nhẹ lòng như thể
Tình ta là bóng khói bên sông
(Người đi mắt sầu dịu vợi)
Từ bóng khói có chút vướng bận của cảm hứng cổ điển, ông cũng cho thấy sự tìm tòi để lai tạo cảm giác mới mẻ nơi người đọc, chỉ ra phút tận cuối một ngày trong ranh giới nghiệt ngã của thời gian tâm trạng:
Tôi thích lắm dù là đến muộn
Là sau cùng của một hoàng hôn
(Thấy người về theo bóng trăng)
Có gì buồn hơn buổi hoàng hôn chiều tím ngắt, hai từ “sau cùng” làm nỗi buồn ba động khôn nguôi. Tình buồn là thế, để ta sẽ yêu hơn cái “sá gì” mà nhà thơ từng thốt lên:
Em có mơ trời cao và biển rộng
Để tình yêu ngụp lặn giữa trăng sao
Khi đã hiểu trăm năm là giấc mộng
Thì sá gì một kiếp thương nhau
(Giấc mơ xuân)
Tuy nhiên, nếu chỉ miên man xuôi theo dòng cảm xúc thì có lẽ thơ Trịnh Bửu Hoài khó trụ lâu trong lòng người đọc. Tình cảm ấy, cung bậc cảm xúc ấy đôi khi cũng biến hóa thành sự liên tưởng thú vị, tinh nghịch:
Em mỏng như con sâu đo ngày ngày lẳng lặng
Quanh mối tình đầu chiếc lá tơ non
(Mối tình đầu)
Rõ ràng nhà thơ đã chủ động “em” trong tâm hồn mình, mà chiếc lá kia gán với mối tình đầu thì hợp lí quá chừng.
Nếu tình yêu được diễn tả với cung bậc cảm xúc rất thật như thế thì tình quê trong thơ Trịnh Bửu Hoài đưa lại cho ta cái ám ảnh của mùa nước nổi và bông điên điển. Cùng một chất liệu nhưng dấu ấn mà tác giả để lại trải dàn ra từ cái thực:
Ba mùa điên điển ra hoa sớm
Cuồn cuộn sông sâu nước đổ đồng
(Ba mùa lũ)
Rồi liên tưởng:
Nhớ xưa em áo màu điên điển
Qua chợ kinh bay những phấn vàng
(Tháng 7 quê nhà)
Chảy vào cả những giấc mơ:
Đêm mơ điên điển nở
Một màu vàng bâng khuâng
(Đêm nước nổi)
Cuối cùng, đến lúc chính thi nhân và điên điển hòa làm một thao thức với ngút ngàn trời nước:
Điên điển ngàn bông
Giữa trời thao thức
(Trở lại Cần Đăng)
Phảng phất trong thơ ông là gam màu vàng nửa lạ nửa quen, xuyên suốt hầu hết các sáng tác. Sắc vàng tươi bông điên điển, màu vàng đồng của lúa, màu vàng mơ và cả cái vàng ướp vào tâm trạng. Nó thấm vào máu thịt làm cho mỗi lần thi hứng dâng lên lại biến hóa ảo diệu vào cảnh vào tình… Nhà thơ để cho em gái nhỏ mặc áo vàng bông điên điển rồi rủ hồn mình hóa vàng theo ánh trăng phiêu dạt. Thật không nói quá khi thơ ông cất giữ nhiều lắm hồn sắc Nam bộ và cho dù đi đâu trên khắp quê hương Việt Nam ông cũng trung thành với vị trí nhà thơ Nam bộ của mình:
Vạch sương tìm cội
Lặn lội nghìn trùng
Ung dung đá sỏi
Hư thực vô cùng
(Yên Tử sơn)
“Tìm cội” là tìm về nơi mà nhà vua Trần Nhân Tông đã khoác áo tu tiên. Cảnh ở đây “hư thực vô cùng”! Suy diễn một chút thì bài thơ thể hiện sự ngóng vọng của Nam bộ trong tâm thức của người di dân mở cõi vậy.
Trịnh Bửu Hoài có nhiều mối quan hệ bạn bè khá tri âm tri kỉ. Đề tài này được ông sáng tác nhiều từ 1995 đến 2005. Dưới nhan đề, ông thường ghi tặng cho người bạn cụ thể nhưng nhìn chung đây là kí thác tình bằng hữu trong sáng, đem lại sự rộng rãi thêm cho tâm hồn. Ông thông cảm với cảnh nghèo của bạn bè:
Quanh quẩn bến quê nghèo
Gió mưa mòn chí lớn
Xem đời như giấc mộng
Bạn thả hồn trong veo
(Bạn tôi)
Người xưa có nói “thi trung hữu chí”. Nhưng bạn bè của nhà thơ thì bị “gió mưa mòn chí lớn”. Sống trong cảnh nghèo túng nhưng hồn người thì “trong veo”, hồn nhiên đến lạ. Vì thế, nhà thơ tìm về với kí ức tuổi thơ:
Ta trở về tìm lại tuổi thơ
Bóng thời gian ngã dài dưới tàn đa cũ
Trời vẫn trẻ mà cây thành cổ thụ
Ta chạnh lòng thèm một chút hồn nhiên
Sao lại “thèm một chút hồn nhiên”? Vì sau khi đã sống từng trải, nhà thơ thấy “chí lớn phù hoa như bọt nước – phú quí cơ hồ như mây bay” (Uống rượu bên hồ Trúc Giang).
Để thể hiện bốn đề tài trên, Trịnh Bửu Hoài chủ yếu dùng thơ thể thơ tự do, chịu ảnh hưởng đậm nét của phong trào Thơ mới giai đoạn đầu. Tứ thơ tuy không mới nhưng cảm xúc và ngôn ngữ thể hiện khá nhuần nhuyễn và điêu luyện. Đâu đó trong thơ ông là phong vị của đất của người Nam bộ hiền hòa. Người làm thơ trước hết phải có khả năng sáng tạo tứ thơ. Tứ thơ hay là tứ thơ phải mới và sâu. Về phương diện này, Trịnh Bửu Hoài còn giẫm lên vết chân của những người đi trước, chẳng hạn như các đề tài về tình sầu, tình bạn trong thơ ông. Biện pháp nghệ thuật được ông sử dụng nhiều là lối so sánh và điệp ngữ, ít thấy ẩn dụ, hoán dụ phải chăng bởi đặc điểm của người Nam bộ truyền thống là ưa nói bộc trực, thực lòng.
Nam bộ là mảnh đất mới khai phá, bề dày văn hóa chưa trầm tích nhiều như đất Bắc, đất Trung. Vinh dự của Trịnh Bửu Hoài cũng là vinh dự của một người có công khai phá ở một mảnh đất còn nhiều chất thơ tiềm ẩn. An Giang có vùng Bảy Núi với tượng phật Di Lặc rất lớn. Phải chăng Trịnh Bửu Hoài đã lựa chọn cho mình cái cười ung dung khoáng đạt nên thơ ông hiền từ mà đầy dung chứa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.